Các địa phương có nguy cơ cao tại Trung Quốc
Một phân tích của AP về hành trình du lịch trong nước của Trung Quốc, sử dụng dữ liệu định vị bản đồ của Baidu - tương tự Google Maps, cho thấy: Trong 2 tuần trước khi khóa Vũ Hán, gần 70% các chuyến đi là rời khỏi TP Vũ Hán - thủ phủ tỉnh Hồ Bắc.
14% chuyến đi khác đến các tỉnh lân cận gồm Hà Nam, Hồ Nam, An Huy và Giang Tây. Gần 2% xuôi xuống tỉnh Quảng Đông - khu vực ven biển đối diện với Hồng Kông và phần còn lại tỏa ra các vùng khác trên khắp Trung Quốc. Các TP bên ngoài Hồ Bắc là điểm đến hàng đầu cho các chuyến đi từ Vũ Hán trong khoảng thời gian từ 10 - 24/1 bao gồm Trùng Khánh - một đô thị giáp Bắc Kinh và Thượng Hải.
Đáng nói, hành trình di chuyển này gần như trùng hợp với hướng lây lan của virus corona. Phần lớn các trường hợp được xác nhận nhiễm virus và tử vong đã xảy ra ở Trung Quốc, tại tỉnh Hồ Bắc, tiếp theo là số lượng lớn các trường hợp ở miền Trung Trung Quốc, với các ổ dịch ở Trùng Khánh, Thượng Hải và Bắc Kinh.
Baidu tập hợp dữ liệu du lịch dựa trên hơn 120 tỷ yêu cầu vị trí hàng ngày từ ứng dụng bản đồ và các ứng dụng khác sử dụng dịch vụ định vị của Yahoo. Chỉ dữ liệu từ người dùng đồng ý chia sẻ vị trí của họ được ghi lại và công ty cho biết dữ liệu được ẩn để bảo vệ quyền riêng tư.
Vì vậy, dữ liệu công khai của Yahoo sẽ cho thấy tỷ lệ, thay vì số chuyến đi cụ thể và cũng không bao gồm các chuyến đi của những người không sử dụng điện thoại di động hoặc các ứng dụng định vị phổ biến. Tuy nhiên, các quan chức y tế công cộng và học giả đã sử dụng loại dữ liệu bản đồ này trong nhiều năm để theo dõi sự lây lan tiềm tàng của nhiều loại dịch bệnh.
Bản đồ nguy cơ toàn cầu
Nhóm các nhà nghiên cứu WorldPop của ĐH Southampton, chuyên nghiên cứu về động lực học dân số, đã sử dụng dữ liệu 2013 - 2015 từ các dịch vụ định vị của Baidu và hành trình bay quốc tế để lập bản đồ rủi ro toàn cầu, dự đoán khả năng lây lan virus từ Vũ Hán.
Một tàu du lịch ngoài khơi Nhật Bản chở hơn 3.000 người buộc phải cách ly vì phát hiện hàng chục trường hợp dương tính với nCoV. |
Theo đó, bên cạnh việc xác định 18 TP có nguy cơ cao ở Trung Quốc khi đã tiếp nhận nhiều người từ Vũ Hán nhất trong giai đoạn này, WorldPop cũng chỉ ra 10 điểm đến toàn cầu hàng đầu của người từ các TP Trung Quốc có nguy cơ cao đó trong dịp Tết Nguyên đán gồm: Thái Lan, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Australia.
Trường hợp nhiễm corona đầu tiên bên ngoài Trung Quốc được báo cáo vào ngày 13/1 tại Thái Lan, 2 ngày sau đó là tại Nhật Bản, đều là 2 quốc gia dẫn đầu danh sách. 9 trong số 10 quốc gia có nhiều chuyến bay nhất đến các TP Trung Quốc đại lục nguy cơ cao cũng có số lượng nhiễm bệnh cao nhất, chủ yếu là lây nhiễm từ những người đã ở Trung Quốc.
Tại Châu Phi: Ai Cập, Nam Phi, Ethiopia, Mauritius, Morocco, Nigeria và Kenya đứng đầu danh sách nguy cơ. Đáng nói, lục địa châu Phi được đánh giá dễ bị tổn thương do dịch bệnh vì cơ sở hạ tầng y tế yếu, khiến các ca bệnh càng lâu bị phát hiện, khả năng lây lan càng cao.
Tuy nhiên, ghi nhận xu hướng này không hẳn chính xác tuyệt đối. Ví dụ, theo dữ liệu của Baidu, tỉnh Chiết Giang không phải là điểm đến hàng đầu của Vũ Hán trong năm nay, nhưng hiện có số lượng các trường hợp bệnh được xác nhận cao nhất.
Theo Jin Dong Yan, một nhà virus học phân tử tại Trường Khoa học Y sinh của ĐH Hồng Kông, 5 triệu người đã rời đi từ Vũ Hán là một thách thức lớn. "Nhiều người trong số họ có thể không quay lại Vũ Hán mà vẫn còn quanh quẩn ở các nơi khác. Vì vậy để kiểm soát ổ dịch này, một mặt, chúng ta cần xác định chính xác số lượng này. Mặt khác, chúng ta cần giải quyết vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử", ông Yan nói.