Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuổi 25 Cà Mau mặc thêm áo mới

HOÀNG NAM – HỒNG LĨNH - THU NHUNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 25 năm tái lập (1/1/1997 – 1/1/2022) Cà Mau hôm nay sung túc ấm no, với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng, trở thành một trong Tứ trụ của Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đi lên trong khó khăn chồng chất

 Tỉnh Cà Mau có diện tích tự nhiên 5.221,19 km2 (đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL, sau Kiên Giang), bằng 12,9% diện tích vùng ĐBSCL và bằng 1,58% diện tích cả nước, có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: 08 huyện và thành phố Cà Mau là trung tâm tỉnh lỵ và là đô thị loại 2) và 101 đơn vị hành chính cấp xã. Là tỉnh ven biển duy nhất của Việt Nam có ba mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km, diện tích ngư trường khoảng 80.000 km2. 

Đất Mũi Cà Mau hôm nay
Đất Mũi Cà Mau hôm nay

Vừa tách tỉnh, cuối năm 1997 Cà Mau là tỉnh phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của cơn bão LinDa với hàng ngàn người chết và mất tích, hàng trăm tàu biển bị chìm đắm, tang thương bao trùm lên đất mũi. Năm 2021, Cà Mau gồng mình trước đại dịch Covid-19, mà theo Bí thư Tỉnh ủy  ông Nguyễn Tiến Hải đánh giá, năm 2021 là năm khó khăn nhất trong 25 năm sau khi tái lập tỉnh. Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, hoạt động văn hóa, xã hội, sinh kế và đời sống nhân dân.

Nhưng bằng sự nỗ lực tuyệt vời của toàn quân toàn dân, sự đoàn kết trên dưới của toàn Đảng bộ, Cà Mau đã từng bước đạt được những thành tựu vững chắc  hết sức quan trọng, tạo tiền đề để Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa, tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH. 

Sau 25 năm tái lập, Cà Mau đã khai thác và phát huy triệt để các tiềm năng lợi thế, tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó tình hình KT-XH của tỉnh đã phát triển cơ bản toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đời sống nhân dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Nếu như năm 1997, GRDP  thu nhập bình quân đầu người chỉ mới đạt 3,7 triệu đồng (tương đương 314 USD). Thì năm 2016, thu nhập bình quân trên đầu người đạt 36,7 triệu đồng (tương đương 1.657 USD). GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,6 triệu đồng (tương đương 2.267 USD), gấp 2,44 lần so với năm 2010 (21,6 triệu đồng/người) và gấp 7,97 lần so với năm 2002 (6,6 triệu đồng/người).    

Quy mô nền kinh tế tăng nhanh qua từng giai đoạn, tổng sản phẩm (GRDP) giai đoạn 1996 – 2005 tăng bình quân 9,51%/năm, giai đoạn 2006 – 2015 tăng bình quân 11,21%/năm. Đến năm 2016, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP giá so sánh năm 2010) đạt 35.372 tỷ đồng, tăng 8,8 lần so với năm 1997 (4.008 tỷ đồng). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng; tỷ trọng khu vực ngư, nông, lâm nghiệp trong GRDP của tỉnh năm 1997 là 63,4%, đến năm 2016 giảm còn 30,16%; tương ứng tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng là 16,96% – 27,7% và khu vực dịch vụ là 19,64% – 38,33%.

Qua rồi “cảnh khó qua sông vắng đò”

Sông nước Cà Mau chằng chịt, phức tạp đi vào thơ ca như một miền đất kỳ thú với nhiều cầu tạm kênh rạch sông ngòi. Nhưng lại là một trở ngại vô cùng lớn về nguồn vốn trong xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là xây dựng nông thôn mới. So với các tỉnh thành khác trong cả nước, đặc điểm vùng đất mới của Cà Mau đã là một gánh nặng về đầu tư và thi công càng khó khăn gấp bội. Thê nhưng, đến năm 2021, cám cảnh thông thương đi lại trong tỉnh của người Cà Mau bằng xuồng ghe đã hầu như xóa bỏ, khi hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH được quan tâm đầu tư, điện đường trường trạm đã về tận xã ấp. Hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết quả đến cuối năm 2020 có 50/82 xã đạt tiêu chí giao thông; 100% xã đạt tiêu chí thủy lợi; 47/82 xã đạt tiêu chí điện; 54/82 xã đạt tiêu chí trường học; 51/82 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa; 100% số xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 51/82 xã đạt tiêu chí thông tin và truyền thông; 76/82 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư...

Một góc trung tâm TP Cà Mau
Một góc trung tâm TP Cà Mau

Còn ở thành thị, nhiều dự án trọng điểm góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh Cà Mau đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, tuyến đường Quản Lộ – Phụng Hiệp, tuyến đường Hồ Chí Minh, sân bay Cà Mau…Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đến năm 2020 đạt 26,53% (tăng 3,9% so với năm 2015). Hệ thống đô thị tỉnh Cà Mau đến năm 2020 có 14 đô thị, gồm: 01 đô thị loại II (thành phố Cà Mau); 02 đô thị loại IV (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời và thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn); 11 đô thị loại V. 

Về phía biển, lợi thế từ biển giờ không chỉ là nuôi trồng và khai thác hải sản, mà năng động hơn từ tài nguyên khí hóa lỏng đã làm nên “nhịp đập trái tim công nghiệp ĐBSCL” với sự hình thành cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm mang tầm và ảnh hưởng quốc gia. Góp phần quan trọng vào chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng của cả nước. Đóng góp mỗi năm hàng triệu tấn phân bón chất lượng cao cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Ngành điện gió Cà Mau hình thành và phát triển mạnh dọc dài bên bờ biển Đông, và tới đây sẽ tiếp tục triển khai bên bờ biển Tây. Lợi thế đã và đang được tận dụng, khai thác hiệu quả, sẽ sớm đưa Cà Mau trở thành một trong những “cánh đồng điện gió” của Việt Nam. Tất cả, sẽ chắp cánh đưa Cà Mau vươn xa, mỗi ngày “thêm một áo mới”.