Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuổi trẻ của những tháng năm…

Thùy Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang vào ngày Hè rực lửa của tháng Năm với những ngày lễ lớn của dân tộc như lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) và kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024) vĩ đại.

Tuổi trẻ của những tháng năm… - Ảnh 1
Lễ diễu binh, diễu hành chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ảnh: QĐND

Trong những ngày tháng Năm lịch sử, mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến Ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu, lòng trào dâng cảm xúc hướng về Thủ đô Hà Nội, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Và trong âm hưởng hào hùng ấy ta lại nhớ đến buổi lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5 vừa qua. Trong không khí thắm tình quân dân, trở thành ấn tượng khó phai trong lòng người dân Việt, bởi đó còn có những khoảnh khắc trao truyền giữa các thế hệ, khi mà các bạn trẻ tiếp nối truyền thống của cha ông và những cựu chiến binh khi trở lại chiến trường nhìn thấy lớp con cháu đang tái hiện lại sự oai hùng của thế hệ mình.

Nhìn thấy tình cảm của Nhân dân dành cho các chiến sĩ, chúng ta thêm hiểu được thế trận lòng dân trong thời bình hay thời chiến đều đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng và bảo vệ đất nước.

Những khoảnh khắc đáng nhớ ấy, gợi lại trong tôi những kỷ niệm vào sáng 10/10/2010, lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Quảng trường Ba Đình. Hoạt động đã thu hút hàng triệu lượt Nhân dân Thủ đô và các tỉnh, TP, kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tham dự, để cảm nhận được những giá trị đặc sắc nhất trong lịch sử ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, đậm chất văn hóa truyền thống, để lại ấn tượng sâu sắc, đậm nét, thực sự là ngày hội của Nhân dân.

Trong 10 ngày đại lễ, có hàng triệu người từ mọi miền đất nước và kiều bào ở nước ngoài đã về Thủ đô Hà Nội tham dự các hoạt động và tham quan. Các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc khi mọi người đều hướng về Thủ đô, góp phần lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội văn hiến - anh hùng - hòa bình. Thông qua các hoạt động kỷ niệm còn bồi đắp, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào tự tôn dân tộc của mọi tầng lớp Nhân dân Thủ đô và Nhân dân cả nước vào đúng dịp lễ chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô.

Nhắc nhớ đến thế hệ thanh niên lãng mạn và kiêu hùng, nhà thơ Chính Hữu trong bài “Ngày về” đã khắc họa rõ nét khát vọng hòa bình cho đất nước và Thủ đô yêu dấu của lớp thanh niên: “Mái đầu xanh thề mãi đến khi già/ Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại/ Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội/ Trở về, trở về, chiếm lại quê hương…”. Những câu thơ đã khắc họa lên hình ảnh anh bộ đội giản dị, mộc mạc, sẵn sàng xả thân vì quê hương, vì độc lập tự do của Tổ quốc. Họ chiến đấu vì lý tưởng của bản thân, hy sinh cho đất nước, dâng hiến cả tuổi xuân cho sông núi quê hương không tiếc tuổi thanh xuân.

Hướng tới 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), nhìn những hàng bằng lăng rực tím, hay những chùm phượng như nhuộm đỏ cả khoảng trời vốn là biểu tượng của tuổi trẻ, gắn liền với hình ảnh của tuổi học trò qua bao thế hệ, lại nhắc nhớ ta đến những tháng năm đã qua có biết bao lớp lớp thanh niên đã hiến dâng thanh xuân cho đất nước. Tuổi trẻ của những tháng năm thanh xuân tươi đẹp nhất ấy, biết bao chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi, đã gác bút nghiêng theo tiếng gọi của non sông, đánh đổi cả xương máu mình cho hòa bình và độc lập của ngày hôm nay. Chính khát vọng hòa bình cho đất nước, khiến chúng ta thật tự hào về thế hệ thanh niên lãng mạn và kiêu hùng của ngày hôm qua, đã hiến dâng thanh xuân mình cho Tổ quốc!