Tương lai bất định sau quyết định lịch sử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 7 tháng sau những xáo trộn tại thủ đô Kiev, kéo theo sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống V.Yanukovych, ngày 16/9, Hiệp định liên kết giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine đã chính thức được thông qua, đánh dấu một bước ngoặt mới trên chính trường nước này và khu vực.

Đối với những người Ukraine có tư tưởng thân phương Tây, ngày 16/9 được coi là ngày lịch sử cho quan hệ Ukraine - EU và ghi nhận những thắng lợi đầu tiên của EuroMaidan - cuộc biểu tình ủng hộ EU bắt đầu suốt từ đêm 21/11/2013 khi chính phủ Ukraine hoãn ký kết thỏa thuận hợp tác và thương mại tự do với EU. Hệ lụy của EuroMaidan là một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài cho đến tận hôm nay, thậm chí Ukraine còn "mất trắng" bán đảo Crimea xinh đẹp. Ngay cả khi Quốc hội Ukraine hôm 16/9 thông qua đạo luật Tổng thống về việc áp dụng quy chế tự trị đặc biệt tại một số khu vực nhất định của vùng Donetsk và Lugansk trong 3 năm, lãnh đạo của lực lượng ly khai - đối tượng vừa được hưởng miễn trừ trách nhiệm hình sự từ Kiev vẫn khẳng định sẽ kiên trì theo con đường đã chọn. Lãnh đạo lực lượng ly khai khu vực Lugansk, ông Igor Plotnitsky còn khẳng định, khu vực này sẽ chuyển từ đồng hryvna sang đồng ruble Nga. Điều này cho thấy, thiện chí nhằm chấm dứt xung đột tại miền Đông của chính quyền Kiev không có nhiều ý nghĩa đối với lực lượng ly khai và nếu không khéo léo, Ukraine có thể sẽ "mất" thêm các khu vực ở miền Đông và đối diện với một tương lai chính trị bất ổn.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sau khi ký thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu trong một phiên họp của Quốc hội ở Kiev, ngày 16/9.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sau khi ký thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu trong một phiên họp của Quốc hội ở Kiev, ngày 16/9.
Không những thế, Hiệp định lịch sử với EU chỉ có hiệu lực về mặt chính trị, còn các điều khoản về kinh tế, vốn rất quan trọng đối với một Ukraine đang kiệt quệ vì khủng hoảng lại chỉ được áp dụng vào năm 2016. Trước sức ép từ Nga, EU đã buộc phải có sự "nhượng bộ" mà theo như các Nghị sĩ châu Âu nhìn nhận là "một điểm yếu, một lỗi về địa chính trị" vì cuối năm 2015, Moscow có thể yêu cầu kéo dài thời hạn áp dụng điều khoản kinh tế của Hiệp định.

Ngay sau khi ký phê chuẩn Hiệp định, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 17/9 đã lên đường thăm chính thức Canada và Mỹ nhằm kêu gọi sự ủng hộ của phương Tây đối với "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", đặc biệt là việc mở rộng các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và tái thiết khu vực miền Đông. Theo kế hoạch, tại Canada, ông Poroshenko sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Stephen Harper để thảo luận về tình hình miền Đông Ukraine và khả năng thiết lập một khu vực tự do thương mại song phương. Trong chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Ukraine sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Barack Obama và đây là cuộc gặp thứ ba chỉ trong ba tháng qua giữa lãnh đạo hai nước này. Hiện, chưa rõ các chuyến thăm này của Tổng thống Ukraine sẽ có kết quả ra sao nhưng việc ông Poroshenko được mời phát biểu tại phiên họp chung của hai viện Quốc hội Mỹ là "một tín hiệu tốt" cho sự hậu thuẫn tối đa của Mỹ và đồng minh đối với Kiev trong hiện tại và cả trong tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần