Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tương lai "gập ghềnh" của thỏa thuận hạt nhân khi Iran có Tổng thống mới

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống tiếp theo của Iran được cho là có tư tưởng cứng rắn và từng bị Mỹ trừng phạt.

Các quan chức chính quyền của ông Biden nhấn mạnh rằng, việc bầu một Tổng thống Iran cứng rắn sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân bị đình trệ từ năm 2015 với Tehran. Tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy mục tiêu đạt được thỏa thuận đang vấp phải những thách thức.
 Ông Ebrahim Raisi dự kiến kế nhiệm Tổng thống Hassan Rouhani vào tháng 8 tới. Ảnh: AFP
Ngày 19/6 vừa qua, ứng cử viên Ebrahim Raisi, 60 tuổi - Bộ trưởng Tư pháp Iran và là một thẩm phán theo đường lối bảo thủ - đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của Iran. Ông Ebrahim Raisi dự kiến kế nhiệm Tổng thống Hassan Rouhani vào tháng 8 tới.
Thẩm phán có quan điểm bảo thủ Ebrahim Raisi là nhân vật thân cận với Lãnh tụ tối cao Iran - Đại giáo chủ Ali Khamenei. Theo Reuters, ông Ebrahim Raisi được ông Khamenei bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tư pháp hồi năm 2019. Vài tháng sau đó, ông bị Mỹ áp lệnh trừng phạt vì cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Một vòng đàm phán quan trọng giữa Mỹ và Iran về vấn đề hạt nhân hôm 20/6 đã kết thúc với rất ít tiến triển. Cùng với đó, trong lần công khai phát biểu hôm 21/6 - lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử, Tổng thống tiếp theo của Iran - ông Ebrahim Raisi đã bác bỏ việc mở rộng thỏa thuận hạt nhân, trong trường hợp thỏa thuận cũ được cứu vãn - mục tiêu của ông Biden.
“Đó là điều không thể đàm phán được”, ông Raisi nói. Đồng thời, ông Raisi cũng để ngỏ khả năng nâng mức yêu cầu của Iran về việc giảm các biện pháp trừng phạt để đổi thỏa thuận.
Tổng thống Joe Biden quyết đưa Mỹ trở lại thỏa thuận như một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu. Thỏa thuận này là một trong những thành tựu tiêu biểu của Tổng thống Barack Obama, cho tới thời người tiền nhiệm ông Biden – cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi nó.
Dù vậy, các quan chức chính quyền Biden khẳng định triển vọng đạt được thỏa thuận là không thay đổi. Họ cho rằng Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, người đã ký vào thỏa thuận năm 2015 - với tên gọi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung, hay JCPOA, sẽ đưa ra quyết định cuối cùng nào bất kể ai là tổng thống.
“Quan điểm của tổng thống và chúng tôi là lãnh đạo tối cao (của Iran) sẽ là người quyết định”, Thư ký ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hôm 21/6.
Hy vọng những tiến bộ đáng kể trong tiến trình thỏa thuận đã tắt ngóm trước bối cảnh có nhiều đồn đoán về tác động của cuộc bầu cử Iran đối với các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ tại Vienna. Các nhà ngoại giao và những nguồn thạo tin bày tỏ kỳ vọng, vòng đàm phán thứ 6 cùng giữa hai bên vào cuối tuần trước, ít nhất có thể tạo ra một kết quả hữu hình.
Tuy nhiên, giờ đây khi vòng đàm phán 6 đã kết thúc, và vòng tiếp theo chưa được sắp xếp, những bình luận cứng rắn của ông Raisi trước đề nghị thảo luận mở rộng thỏa thuận hạt nhân ban đầu, càng khiến viễn cảnh “di sản hạt nhân” của ông Biden ngày càng khó khăn.