Theo tờ Oilprice, Moscow vừa đưa ra phản ứng trước các báo cáo nói rằng Mỹ đang cân nhắc trừng phạt thêm nhiều tàu vi phạm chính sách trần giá của G7 đối với dầu mỏ Nga.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 14/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga đã có giải pháp để thích ứng với các lệnh trừng phạt ngày càng nghiêm ngặt của Mỹ đối với giao dịch dầu mỏ của Moscow và đang hành động phù hợp với lợi ích của chính mình.
Theo biện pháp trần giá do G7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia áp đặt với dầu mỏ Nga, các chuyến hàng dầu thô của Moscow vận chuyển sang các nước thứ ba có thể sử dụng bảo hiểm và tài trợ của phương Tây nếu hàng hóa được bán ở mức hoặc dưới mức trần 60 USD/thùng.
Biện pháp này có hiệu lực vào tháng 12/2022 khi EU áp đặt lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu thô của Nga. Hồi tháng 2 năm nay, G7, EU và Australia tiếp tục áp đặt hạn chế tương tự đối với các sản phẩm dầu tinh chế xuất khẩu của Nga.
Tuy nhiên, các quan chức phương Tây được cho là ngày càng lo ngại Nga có thể bán phần lớn lượng dầu mỏ của mình vượt mức giá trần.
Tháng trước, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã có lập trường cứng rắn hơn liên quan đến các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga và đã xử phạt 2 tàu vi phạm biện pháp trần giá.
Washington cũng được cho là đang nỗ lực để hạn chế tối đa việc các hãng vận tải biển “né” chính sách trần giá đối với dầu mỏ Nga. Hãng tin Reuters đầu tuần này đưa tin Bộ Tài chính Mỹ đã yêu cầu thông tin từ các công ty quản lý tàu về 100 tàu chở dầu bị nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt đối với dầu của Nga.
Theo tờ báo Anh, các tàu chở dầu đang bị giám sát đã nạp dầu thô của Nga từ cảng Kozmino ở Viễn Đông và từ cảng Primorsk trên Biển Baltic.
Người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ tiết lộ với Reuters: "Bộ Tài chính cam kết thực thi giới hạn giá và giảm nguồn lực của Nga cho cuộc xung đột tại Ukraine".
Chính sách trần giá dầu Nga của G7 không hoạt động
Tờ Financial Times hôm 14/11 dẫn nguồn tin từ giới chức phương Tây và dữ liệu xuất khẩu của Nga cho biết, biện pháp trần giá đối với dầu thô Nga do G7, EU và Australia áp đặt không phát huy hiệu quả vì hầu như không có lô hàng dầu thô nào được giao dịch dưới mức giới hạn 60 USD/thùng.
Theo Financial Times, một quan chức cấp cao của EU thừa nhận Nga đã thành công trong việc vượt qua giới hạn trần giá dầu của phương Tây. “Dữ liệu mới nhất cho thấy chúng tôi sẽ phải cứng rắn hơn, không để Nga tiếp tục làm điều này”, vị này cho hay.
Số liệu thống kê chính thức của Nga cho thấy giá dầu trung bình bán ra trong tháng 10 là 80 USD/thùng.
Trong khi đó, báo cáo được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 14/11 cho thấy giá dầu và các sản phẩm tinh chế dầu mỏ của Nga, trừ xăng và dầu gas chân không, trong tháng 10 đều vượt quá mức trần giá của phương Tây.
Các quan chức EU đang xem xét cách thức để siết chặt việc thực hiện chính sách trần giá, bao gồm các lựa chọn nhằm hạn chế quyền tiếp cận của Nga vào thị trường tàu chở dầu đã qua sử dụng.
Giá dầu Urals của Moscow trong mùa Hè năm nay đã tăng mạnh và vượt mức giá trần 60 USD/thùng sau khi Nga và Ả Rập Saudi cùng các nước trong nhóm OPEC+ cắt giảm mạnh nguồn cung và xuất khẩu dầu mỏ.
Việc giá dầu Nga tăng vượt mức trần giá đã giáng đòn mạnh vào nỗ lực của các nước phương Tây nhằm siết nguồn doanh thu từ năng lượng của Moscow.
Mặc dù doanh thu từ việc bán dầu và khí đốt của Nga trong tháng 1/2023 giảm 46% so với cùng kỳ xuống còn 426 tỷ ruble (4,6 tỷ USD) sau khi phương Tây áp đặt biện pháp trần giá dầu. Tuy nhiên, kể từ đó, doanh thu của Nga đã tăng đáng kể.
Số tiền thu được từ việc bán dầu và khí đốt của Nga đã tăng lên mức cao nhất trong 18 tháng vào tháng 10 vừa qua.
Giá dầu tăng vọt đã thúc đẩy thu nhập từ xuất khẩu năng lượng của Moscow. Doanh thu từ hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga trong tháng 10 đạt 1,63 ngàn tỷ ruble (17,7 tỷ USD) bất chấp dự báo về thâm hụt lớn. Tờ Rossiyskaya Gazeta cho biết, Nga từng đạt mức doanh thu cao nhất từ xuất khẩu năng lượng là hơn 1,8 ngàn tỷ ruble vào tháng 4/2022.