Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyên bố mới nhất của Nga liên quan đến điều kiện ngừng bắn tại Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người đứng đầu Điện Kremlin kêu gọi phương Tây cũng như Ukraine nên cân nhắc sáng kiến hòa bình của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh:  Sputnik
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh:  Sputnik

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, các yêu cầu do Nga đưa ra để đạt thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine là giải pháp duy nhất để chấm dứt tình trạng thù địch, nhưng phương Tây đã phớt lờ đề xuất của Moscow.

Trong bài phát biểu tại một diễn đàn quốc tế do Nga tổ chức tuần này, Tổng thống Putin hối thúc các bên có liên quan cân nhắc sáng kiến hòa bình của Nga.

“Sáng kiến hòa bình của Moscow có thể chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine và thúc đẩy một tiến trình ngoại giao” - Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ tại phiên khai mạc Diễn đàn Primakov Readings lần thứ 10 ngày 25/6.

Tổng thống Putin cho biết, ông tự tin rằng Diễn đàn Primakov Readings sẽ tạo ra sự quan tâm thỏa đáng đến "đề xuất của Nga nhằm giải quyết cuộc xung đột Ukraine một cách hòa bình".

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: "Tôi hy vọng khác với nhiều chính trị gia phương Tây thậm chí không muốn nhìn vào bản chất sáng kiến của Moscow, các đại biểu dự diễn đàn này sẽ xem xét đề xuất một cách kỹ lưỡng và phù hợp, tạo cơ hội tiến tới tiến trình chính trị và ngoại giao để chấm dứt cuộc xung đột hiện tại".

Cũng tại diễn đàn này, ông Yury Ushakov - Cố vấn của Tổng thống Nga, khẳng định rằng đề xuất hòa bình do ông Putin đưa ra gần đây có thể giúp chấm dứt tình trạng thù địch ngay lập tức.

Ông Yury Ushakov - Cố vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass
Ông Yury Ushakov - Cố vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass

Trước đó, hôm 24/6, Điện Kremlin tuyên bố, đề xuất hòa bình của Tổng thống Putin nêu ra vào giữa tháng này vẫn còn giá trị bất chấp việc Ukraine bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công chết người vào bán đảo Crimea.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, sáng kiến hòa bình mới đây của Tổng thống Putin dành cho Ukraine vẫn còn hiệu lực và tuyên bố rằng khung thời gian của đề xuất này không thay đổi.

Tuần trước, Tổng thống Putin đã đưa ra các đề xuất hòa bình mới về giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine. Theo đó, Moscow đề nghị Kiev công nhận bán đảo Crimea, Donetsk, Lugansk, vùng Kherson và Zaporozhye thuộc Nga. Người đứng đầu Điện Kremlin cũng đề nghị Ukraine thiết lập quy chế phi hạt nhân, đồng ý phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, duy trì vị thế trung lập, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga.

Tổng thống Putin tuyên bố, nếu phương Tây và Ukraine từ chối đề xuất hòa bình cụ thể lần này như trước đây thì trách nhiệm về tình trạng tiếp tục đổ máu sẽ nằm về phía họ.

Tổng thống Nga nhấn mạnh, Moscow sẵn sàng tham gia đàm phán với Kiev ngay khi có thể. Theo ông Putin, nhiệm kỳ tổng thống chính thức của ông Volodymyr Zelensky đã kết thúc nhưng Quốc hội Ukraine vẫn là cơ quan hợp pháp.

Tuy nhiên, Kiev và các đồng minh phương Tây ngay lập tức đã bác bỏ đề xuất hòa bình này của Moscow.

Người đứng đầu Điện Kremlin nói rằng không ngạc nhiên trước việc phương Tây từ chối kế hoạch của ông nhưng ông vẫn để ngỏ đề nghị này ở thời điểm hiện nay. Ông nói thêm rằng các cuộc đàm phán xung quanh việc rút quân Nga "sẽ không bao giờ xảy ra" và cho rằng chính quyền của Tổng thống Zelensky đang tìm cách kéo dài cuộc xung đột.

Trong một diễn biến liên quan khác, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 24/6 nhấn mạnh, Moscow sẽ không tổ chức bất kỳ "cuộc đàm phán cửa sau" nào với bất kỳ ai về việc chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine.

"Chúng tôi không tổ chức bất kỳ cuộc đàm phán cửa sau nào với bất kỳ ai. Chính phương Tây đã từ chối tổ chức đàm phán một cách công bằng, thậm chí ông Zelensky còn cấm toàn bộ lãnh đạo Ukraine đàm phán với Nga"-  Tass dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Lavrov cho hay.

Đề cập đến các điều kiện ngừng bắn của Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Lavrov cho biết, đây là "kết quả của sự phân tích tỉnh táo và mang tính xây dựng về thực tế hiện tại". Ngoại trưởng Nga nêu rõ: "Chúng tôi có thừa thiện chí. Kể từ năm 2014, Nga đã rất nhiều lần đưa ra đề xuất để tìm giải pháp hai bên có thể chấp nhận cho tình hình mà phương Tây đã gây ra ở Ukraine. Đổi lại, chúng tôi liên tục nhận lại sự từ chối".