70 năm giải phóng Thủ đô

Tuyến đường sắt Thái Lan-Lào kỳ vọng thu hút khách Trung Quốc

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thái Lan cũng đang phát triển mạng lưới các tuyến vận chuyển hàng hóa đến Trung Quốc.

Vào tối ngày 19/7, tuyến đường sắt xuyên biên giới Thái Lan-Lào kéo dài 650 km tại ga Krung Thep Aphiwat thuộc Thủ đô Bangkok và ga Khamsawath thuộc Thủ đô Vientiane, Lào đã chính thức đi vào hoạt động. 

Du khách sẽ trải nghiệm chuyến đi kéo dài gần 12 tiếng đồng hồ, bao gồm cả thủ tục hải quan xuyên biên giới. Tuyến đường sắt Bangkok-Vientiane có tần suất một chuyến mỗi ngày với ba hạng ghế. Vé một chiều có giá từ 281 đến 874 baht (8 USD đến 24 USD).

Bangkok kỳ vọng tuyến tàu mới sẽ thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa nước này với Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia
Bangkok kỳ vọng tuyến tàu mới sẽ thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa nước này với Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia

Đường sắt quốc gia Thái Lan (SRT) dự đoán tuyến đường sắt đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy hoạt động du lịch giữa Trung Quốc-Thái Lan.

Thông qua việc kết nối giữa Bangkok với ga Khamsavath, Vientiane, nơi có tuyến kết nối với ga TP Côn Minh, phía Nam Trung Quốc, các quan chức tin rằng tuyến mới sẽ giúp du khách Trung Quốc đến Thủ đô Thái Lan dễ dàng hơn.

Chính phủ Thái Lan nỗ lực thu hút khách du lịch Trung Quốc thông qua các hoạt động quảng bá sản phẩm nội địa. Đầu tháng 7, Bangkok đã tổ chức một sự kiện giới thiệu sản phẩm với khoảng 200 người tham gia, trong đó chủ yếu là người trong ngành du lịch Trung Quốc. Sự kiện thu hút sự tham gia của thương hiệu mỹ phẩm Thái Lan Mistine cùng với các thương hiệu lớn khác.

Theo truyền thông Trung Quốc, cơ quan du lịch Thái Lan cũng đã hợp tác với một chuỗi siêu thị Trung Quốc để tổ chức một sự kiện tiếp thị trái cây trồng ở quốc gia Đông Nam Á này tại Thượng Hải.

Thái Lan cũng đang phát triển mạng lưới các tuyến vận chuyển hàng hóa đến Trung Quốc. Tháng 12 năm ngoái, dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ tỉnh Rayong của Thái Lan đến TP Thành Đô của Trung Quốc, cũng như tuyến giữa Bangkok và Trùng Khánh đã đi vào hoạt động.

Hai tuyến vận tải này đều sử dụng tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc, tuyến đường này đang trở thành tuyến đường huyết mạch giao thông giữa Trung Quốc và Đông Nam Á.

Theo ước tính hồi tháng 3 của Trung tâm nghiên cứu tư nhân Kasikorn, tuyến đường này sẽ giúp giá trị hàng hóa vận chuyển từ Thái Lan đến Trung Quốc tăng 17% lên 250 tỷ baht (6,88 tỷ USD) trong năm nay.

Báo cáo của công ty này cho biết tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc-Lào sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại xuyên biên giới. Hiện tại, hàng hóa vận chuyển chủ yếu chủ yếu là trái sầu riêng và các sản phẩm nông nghiệp khác.

Ngoài Thái Lan, Malaysia cũng là quốc gia tăng cường kết nối với Trung Quốc. Tại quốc gia này, dịch vụ tàu chở hàng ASEAN Express đã đi vào hoạt động từ cuối tháng trước. Tuyến đường này bắt đầu từ bang Selangor gần thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, đi qua Thái Lan và Lào trước khi kết thúc ở Trùng Khánh.

Theo Công ty điều hành đường sắt quốc gia Malaysia Keretapi Tanah Melayu Berhad (KTMB), toàn bộ hành trình sẽ mất khoảng 9 ngày, ngắn hơn so với thời gian 2-3 tuần bằng đường biển.

Chuyến tàu đầu tiên khởi hành từ Malaysia vào ngày 27/6 chở nông sản và các hàng hóa khác. Đầu tháng 6, chính phủ Trung Quốc đã đồng ý cho phép nhập khẩu sầu riêng tươi từ Malaysia.

Tuyến ASEAN Express hiện đang triển khai hai chuyến một tuần, tuy nhiên theo một số nguồn tin, nhà điều hành đang lên kế hoạch tăng cường số chuyến. KMB tin tưởng tuyến đường sắt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường quan hệ thương mại giữa các quốc gia trong ASEAN cũng như với Trung Quốc.