Tuyển sinh 2024: Sức hút của khối ngành sức khỏe

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi mùa tuyển sinh đến, bên cạnh các ngành hot, phù hợp xu thế hiện đại như khối ngành kinh tế, công nghệ, ngôn ngữ, quản lý…, thì ngành sức khỏe chưa bao giờ lạc hậu.

Các chuyên gia cho rằng, dù là thời đại 4.0 hay… 10.0 thì ngành sức khỏe vẫn khẳng định được vị trí và vai trò riêng. Đặc biệt, các trường và các khoa đào tạo khối ngành này càng được mở thêm, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của người học.

Sinh viên Đại học Y Hà Nội trong giờ giải phẫu. Ảnh: Phạm Hùng
Sinh viên Đại học Y Hà Nội trong giờ giải phẫu. Ảnh: Phạm Hùng

Mở rộng phương thức xét tuyển

Theo PGS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội, hiện cả nước có 67 trường đào tạo khối ngành sức khỏe; trong đó 32 trường đào tạo ngành y khoa.

Nhìn từ thực tế công tác tuyển sinh những năm gần đây, các chuyên gia giáo dục nhận định, tuy tỷ lệ chọi khối ngành sức khỏe không cao như kinh tế, quản lý, công nghệ thông tin... nhưng đây là nhóm ngành tập trung nhiều thí sinh giỏi. Về cơ bản, chỉ những học sinh có học lực giỏi mới dám xét tuyển vào ngành y, dược bởi điểm đầu vào luôn ở mức cao.

Cụ thể, muốn xét tuyển ngành y khoa và dược, thí sinh phải có mức điểm từ 25 trở lên. 3 năm trở lại đây, điểm trúng tuyển khối ngành sức khỏe luôn ổn định; y khoa và dược từ 24 - 29 điểm, các ngành còn lại từ 19 - 24 điểm.

TS Võ Thanh Hải - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cho biết thêm: Ở phương thức xét tuyển sớm (dùng điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực), thí sinh ngành y đa khoa, dược phải có học lực giỏi năm lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8,0 trở lên, ngoại trừ các ngành như điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm, y học dự phòng chỉ cần học lực khá và điểm xét tốt nghiệp đạt từ 6,5 trở lên. Còn đối với thí sinh dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thì phải thêm một tiêu chí nữa, đó là đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT đưa ra hàng năm.

Ở góc nhìn khác, TS Võ Thị Ngọc Mỹ - Phó trưởng khoa Dược, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh) cho hay, trường hợp học sinh có học lực khá vẫn mong muốn theo học ĐH khối sức khỏe thì có thể xét tuyển vào các ngành như điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, quản lý bệnh viện, kỹ thuật phục hồi chức năng, y học dự phòng, dinh dưỡng, công nghệ thẩm mỹ, công nghệ sinh học, bác sĩ thú y....

Nếu những năm trước, các trường y dược chủ yếu xét tuyển theo phương thức truyền thống (điểm thi tốt nghiệp tổ hợp B00 Toán, Hóa, Sinh) thì nay, đó không còn là phương thức xét tuyển duy nhất vào các trường này. Đơn cử, Trường ĐH Y dược - ĐH Quốc gia Hà Nội sử dụng thêm phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức; Trường ĐH Y dược Thái Bình sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hay một số trường khác sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển.

Bên cạnh đó, vấn đề ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực ngoại ngữ cũng được các trường khối ngành sức khỏe, y dược quan tâm. Những năm gần đây, ngành y dược của các trường ĐH tư thục được nhiều thí sinh và phụ huynh lựa chọn. So với điểm chuẩn các ngành học khác cùng trường thì điểm chuẩn và học phí ngành y dược vẫn vượt trội hơn.

Nhiều hướng việc làm

PGS Lê Đình Tùng chia sẻ, Trường ĐH Y Hà Nội hiện đào tạo 11 ngành nhưng năm nay, trường dự kiến mở và tuyển sinh 4 ngành mới gồm: hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, công tác xã hội và tâm lý. Việc này giúp cơ hội xét tuyển của học sinh theo đuổi ngành y và cơ hội việc làm của sinh viên ra trường sẽ mở rộng hơn, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống, mang lại những giá trị lớn và không thể thay thế của khối ngành sức khỏe, TS Nguyễn Phương Tùng, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Điều dưỡng và Xét nghiệm - Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh ví von: “Cho dù cuộc cách mạng 10.0 có diễn ra trong tương lai, thì con người vẫn có nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Chính vì thế, cơ hội việc làm của ngành này ngày càng rộng mở”.

Với ngành điều dưỡng, các em không chỉ làm việc trong nước mà còn có thể sang Đức, Úc, Nhật... làm việc với thu nhập cao. Cùng với đó, xã hội càng phát triển thì ngoài chăm sóc sức khỏe, nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của con người càng lớn. Ngành răng hàm mặt hay bác sĩ thẩm mỹ không chỉ là ngành hot trong hiện tại mà còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở tương lai, kéo theo nhu cầu nhân lực lớn trong thực tế.

Điểm xét tuyển cao, nhu cầu việc làm cao, mức lương cao, ngành y dược còn có yêu cầu cao về tố chất, tư duy cùng các điều kiện liên quan đến tính cách, ứng xử. Theo TS Võ Thanh Hải - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), khối ngành sức khỏe mà cụ thể là y dược có thời gian đào tạo dài nhất, học phí cao nhất, khó nhất và thời gian làm việc muộn nhất.

“Thông thường, học xong 6 năm đại học, các em phải học thêm chuyên khoa 2 - 3 năm mới có thể bắt đầu đi làm. Vì thế, cùng yêu cầu học giỏi; ngành y dược còn đòi hỏi cao về sức khỏe, lòng nhân ái, tình thương người và tinh thần sẵn sàng chăm sóc, phục vụ cộng đồng… Không những vậy, học sinh theo đuổi khối ngành sức khỏe còn phải có đam mê với nghề, có sự bền bỉ và tính chính xác cao bởi trong quá trình học, các em sẽ được thầy cô bồi đắp, xây dựng bản đồ tư duy và có công nghệ hỗ trợ cho việc học tập, làm việc…” - TS Võ Thanh Hải cho biết.

Nhiều năm trở lại đây, các trường ĐH công lập tự chủ và trường tư thục rầm rộ mở các ngành đào tạo về sức khỏe. Tuy vậy, khối ngành sức khỏe là một khối ngành đào tạo đặc thù. Ngoài việc tuân thủ quy định của pháp luật, Bộ GD&ĐT sẽ quản lý và cấp phép mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe và xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Hội đồng xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cho khối ngành sức khỏe có sự tham gia của Bộ Y tế.