Thưa ông, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra 3 PA thi tuyển sinh vào lớp 10 để lấy ý kiến. Là nhà quản lý giáo dục cũng đang có con học THCS, ông có ý kiến gì?- Tôi đã tìm hiểu 3 PA thi tuyển sinh do Sở GD&ĐT đưa ra, đều thấy có những điểm mạnh và tốt, rất đáng cân nhắc. Như Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, phương thức “Kết hợp thi tuyển với xét tuyển” để tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên đã được áp dụng tại Hà Nội từ năm học 2005 – 2006 đến nay đã bộc lộ một số hạn chế, vì thế bỏ qua PA2 này. Còn PA1, thi tuyển 4 bài độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thuộc 1 trong 6 môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) là hay hơn cả và bớt nặng cho học sinh (HS). Vì thế, Sở GD&ĐT Hà Nội có thể cân nhắc PA này.
Nhiều Hiệu trưởng THCS nghiêng về PA3, có 2 bài độc lập là Toán và Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp (tổ hợp 1: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử, GDCD; tổ hợp 2: Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học) vì tiệm cận với phương thức thi THPT quốc gia, ông không đồng tình sao?- Tôi biết một trong những mục tiêu mà ngành giáo dục Hà Nội đưa ra cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 là để HS học toàn diện, tránh học lệch, học tủ. Nhưng nếu theo PA này, HS lớp 9 sẽ phải thi tới 6 môn (nhiều hơn 2 môn so với PA1 và 4 môn so với PA2), sẽ rất nặng cho các em.
3 PA thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019 – 2020 Phương án 1: Thi tuyển 4 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi thứ 4 thuộc một trong các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Phương án 2: Thi tuyển kết hợp với xét tuyển, giữ nguyên như kỳ tuyển sinh năm học 2018 - 2019. Phương án 3: Thi tuyển 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp (Tổ hợp 1: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân; Tổ hợp 2: Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học). |
Một vấn đề mà tôi băn khoăn, đó là thời gian gần đây, Bộ GD&ĐT nói nhiều về vai trò và ý nghĩa của môn Ngoại ngữ. Đặc biệt là những TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, môn Ngoại ngữ phải đặt ở vị trí cao hơn. Đặc biệt, Hà Nội đã phổ cập Ngoại ngữ đến tất cả các trường, kể cả khu vực ngoại thành. Sở GD&ĐT Hà Nội đang thí điểm đào tạo song bằng ở các trường công lập để từ đó nhân rộng, là tiền đề cho hội nhập giáo dục là rất tốt. Nhưng ở PA3, Ngoại ngữ lại nằm trong tổ hợp bài thi 4 môn, là điều đáng tiếc. Vì thế, nếu cần thiết và lựa chọn PA3, Sở GD&ĐT Hà Nội nên mạnh dạn xếp môn Ngoại ngữ là 1 bài thi độc lập. Như thế, PA này sẽ có 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài tổ hợp.
Về phía phụ huynh lại băn khoăn, nếu thi theo PA3 các con phải học quá nhiều môn, dẫn đến áp lực thi cử?- Phụ huynh hãy coi kỳ thi này như là thi học kỳ hay cuối cấp đánh giá tổng thể, toàn diện khối kiến thức HS đã được học. Chất lượng của kỳ thi THCS là để phân luồng học sinh vào cấp 3, cũng như thi THPT quốc gia để phân luồng vào đại học hay giáo dục nghề nghiệp. Nhưng, điều quan trọng nhất là tư duy của những người tổ chức phải đảm bảo thi là để đánh giá kiến thức toàn diện của HS. Đề thi phải được chuẩn hóa, bảo đảm quy chuẩn, không đánh đố HS nhưng cũng không dễ quá. Đồng nghĩa, HS có học lực thế nào thì kết quả thi sẽ thể hiện ngưỡng đó và phải đảm bảo yếu tố công bằng, khách quan trong thi và chấm thi.
Khi một trong những PA thi mới được lựa chọn, liệu năm học 2019 – 2020, Hà Nội có chuẩn bị kịp?- Về lý thuyết, trong một năm, các chuyên gia hoàn toàn có thể làm được. Nhưng chúng ta vẫn cần thời gian cho công tác ra đề, chuẩn bị về mặt kỹ thuật, quy trình được chặt chẽ, tránh làm vội vàng, dẫn đến sai sót. Sở GD&ĐT Hà Nội có thể lắng nghe ý kiến dư luận để tham khảo và xin ý kiến thêm. Nhưng công tác truyền thông là vô cùng quan trọng, phải làm sao để cho dư luận cảm thấy được chia sẻ, lắng nghe và yên tâm với kỳ thi này, không trở thành áp lực cho học sinh.
Xin cảm ơn ông!