Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyển sinh lớp 10: Học sinh giỏi cấp tỉnh được hưởng ưu tiên là xứng đáng

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Việc học sinh lớp 9 đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh không có cơ chế ưu tiên tại kỳ thi vào lớp 10 do địa phương tổ chức được cho là bất cập. Nhiều ý kiến bày tỏ, chính sách ưu tiên cho đối tượng này là xứng đáng với năng lực và công sức của các em.

Học sinh đoạt giải… tủi thân

Khi nhận kết quả kỳ thi học sinh giỏi Hóa cấp TP với giải Nhì, Nguyễn Thu H bật khóc. “Thiếu một chút điểm nữa là em được giải Nhất. Với giải Nhì, em không được hưởng khuyến khích gì tại kỳ thi vào lớp 10 vì chỉ giải Nhất mới được hai trường THPT chuyên của ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Sư phạm tuyển thẳng "- H chia sẻ trong sự tủi thân.

Cần có cơ chế ưu tiên với học sinh đoạt giải học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh tại kỳ thi lớp 10
Cần có cơ chế ưu tiên với học sinh đoạt giải học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh tại kỳ thi lớp 10

Theo H, ban đầu em không hề nghĩ gì về cơ chế ưu tiên tại kỳ thi vào lớp 10; tuy nhiên, khi tìm hiểu, biết rằng giải Nhất được tuyển thẳng vào lớp 10 chuyên thuộc ĐH nên em đã nỗ lực không ngừng qua nhiều tháng để đạt kết quả tốt nhất. Với giải Nhì, em ngậm ngùi bởi sẽ phải tham dự Kỳ thi vào lớp 10 như các bạn. Qua nhiều tháng chỉ tập trung ôn thi học sinh giỏi, em phải phân chia thời gian mới kịp học các môn thi vào 10. “Nếu giải Nhất được tuyển thẳng thì các giải Nhì, Ba, Khuyến khích cũng phải được cộng điểm ưu tiên. Như vậy mới công bằng hơn cho chúng em. Tại sao giải này được hưởng ưu tiên, giải kia lại không được; và trường này được, trường kia lại không?”- H thắc mắc.

Là học sinh có 2 năm liền (lớp 8 và lớp 9) đều đạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp TP, Nguyễn Cảnh D cho biết, em đã dành gần 2 năm cho ôn luyện đội tuyển Toán. D có nguyện vọng học chuyên Tin và nếu được giải Nhất, em sẽ được tuyển thẳng mà không mất công ôn luyện thêm nữa. “Em không hối tiếc vì đã tham gia đội tuyển bởi em được trưởng thành rất nhiều qua các kỳ thi. Em sẽ đăng ký nguyện vọng và thi vào lớp 10 giống các bạn không có thành tích như mình. Với em, điều này không có gì khó khăn nhưng nếu được một chút động viên, em thấy thoải mái và được an ủi hơn”- D chia sẻ.

Tại Hà Nội, kỳ thi học sinh giỏi văn hóa lớp 9 cấp TP duy trì 13 môn thi: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, Giáo dục công dân, Khoa học. Nếu là thành viên của các đội tuyển đi thi, ngoài học chính khóa, học sinh còn phải dành rất nhiều thời gian cho ôn luyện.

“Các đội tuyển Tiếng Anh, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tin học còn có học sinh mặn mà với đội tuyển. Còn lại các môn như: Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, rất ít học sinh muốn tham gia; nguyên nhân bởi được giải Nhất các môn này cũng không được trường nào ưu tiên xét tuyển trong kỳ thi vào 10”- cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên cấp THCS tại Hải Phòng cho biết.

Xem xét lại cơ chế ưu tiên

Bày tỏ về cơ chế ưu tiên với đối tượng học sinh giỏi cấp TP, chị Nguyễn Thị Thủy, phụ huynh có con đạt giải Nhì môn Toán lớp 9 bày tỏ: “Nếu các trường THPT chuyên/không chuyên trực thuộc ĐH thực hiện tuyển thẳng với học sinh đạt giải Nhất hoặc cộng điểm với học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/TP thì địa phương cũng cần cơ chế để các trường chuyên, trường công lập trực thuộc tuyển thẳng hoặc cộng điểm với học sinh đạt giải cấp tỉnh/TP các môn văn hóa".

Hiện, đa phần học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 đều phải tham dự kỳ thi lớp 10 như các học sinh khác
Hiện, đa phần học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 đều phải tham dự kỳ thi lớp 10 như các học sinh khác

Là giáo viên nhiều năm được phân công nhiệm vụ ôn luyện, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, cô Phạm Thanh Minh, Trường THCS Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân chia sẻ: Học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp TP đều là những học sinh có năng lực, có ý thức và niềm yêu thích học tập. Các con được tuyển chọn kỹ càng từ cấp trường, cấp quận, lại bỏ rất nhiều thời gian, công sức để ôn luyện, đi thi và đoạt giải.

Vì thế, theo cô Phạm Thanh Minh, rất nên động viên đối tượng học sinh này bằng cơ chế cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi vào lớp 10 bởi nếu có cơ chế động viên hợp lý sẽ tạo động lực rất tốt cho các con; từ đó kéo chất lượng các kỳ thi ngày càng tăng lên.

Trong số các học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/TP, không phải học sinh nào cũng có nguyện vọng thi lớp 10 chuyên. Nhiều em trong số đó đăng ký vào trường THPT công lập gần nhà. So với học sinh đại trà, đối tượng này rõ ràng nổi trội hơn.

“Chúng tôi rất muốn tuyển được những học sinh có tố chất ở các môn học từ cấp THCS để nhà trường tiếp tục bồi dưỡng tại cấp THPT. Học sinh đạt thành tích tại kỳ thi học sinh giỏi cấp TP lớp 9 đảm bảo có được điều đó. Chúng tôi mong cơ chế cộng điểm ưu tiên sớm được thực hiện trở lại để có thể tuyển được các học sinh giỏi vào trường”- Hiệu trưởng một trường THPT có tiếng ở Hà Nội bày tỏ.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 cụm thi đua số 1 (gồm 5 TP trực thuộc TƯ là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng) do Bộ GD&ĐT tổ chức, các đơn vị đã thống nhất đề nghị Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 7 Quy chế tuyển sinh theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương quy định đối tượng tuyển thẳng vào lớp 10 THPT, điều chỉnh mở rộng thêm học sinh giỏi cấp tỉnh/TP cũng được tuyển thẳng bởi đây là kỳ thi uy tín nhất hiện nay ở các địa phương nhằm phát hiện người học có năng khiếu về một môn học nào đó, tạo nguồn bồi dưỡng, đào tạo nhân tài cho đất nước. 

 

Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ GD&ĐT cho phép các Sở GD&ĐT quy định điểm cộng với từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích. Một số Sở như Hà Nội đã đề ra nhiều diện được cộng điểm khuyến khích (từ 0,5-2 điểm), trong đó có học sinh đạt giải từ cấp tỉnh trở lên trong các cuộc thi học sinh giỏi lớp 9 môn văn hóa. 

Tuy nhiên, tại văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3/5/2019 của Bộ GD&ĐT, quy định trên được bãi bỏ; đồng nghĩa với việc, học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh không được hưởng ưu tiên.

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, sở dĩ quy định của Sở GD&ĐT về cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh vào lớp 10 không còn hiệu lực vì đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số lượng cuộc thi ở địa phương, góp phần gây áp lực cho học sinh.

Từ đó đến nay, nhiều tỉnh/TP (trong đó có Hà Nội) kiên trì đề xuất Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương trong cơ chế ưu tiên, khuyến khích tại kỳ tuyển sinh lớp 10 để hướng đến mục tiêu đảm bảo công bằng cho học sinh và cho các cơ sở giáo dục.