Tuyển sinh vào đại học: Nhiều nguyện vọng chưa chắc đã mừng

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) có thương hiệu nhận được số nguyện vọng (NV) đăng ký xét tuyển gấp 5 – 6 lần tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Tuy nhiên, các trường không vội mừng, vì nhiều NV đăng ký là vậy, nhưng chưa chắc đã tuyển đủ số lượng.

“Chọi cao” ở trường thương hiệu

Với việc thí sinh (TS) được đăng ký không hạn chế các ngành, nên mùa tuyển sinh này, nhiều trường ĐH có số NV đăng ký xét tuyển lên tới vài chục ngàn. GS.TS Đinh Văn Sơn – Hiệu trưởng ĐH Thương mại cho biết, nhà trường nhận được 59.651 NV đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo, trong đó có 10.025 NV1. So với tổng chỉ tiêu 3.800, tỉ lệ chọi NV1 vào trường là 1/2,6 và tính chung tổng số các NV là 1/15,6. Những ngành TS đăng ký đông vẫn thuộc về khối truyền thống như Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Kế toán, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, số lượng đăng ký sẽ tiếp tục có biến động, bởi TS được điều chỉnh NV đến trước thời điểm xét tuyển sinh.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký thi năng khiếu tại Học viện Báo chí & tuyên truyền năm 2017.   Ảnh:  Thanh Hải

Đó cũng chính là lý do mà lúc đầu ĐH Công nghiệp Hà Nội nhận được 79.000 NV đăng ký xét tuyển, nhưng thời điểm này giảm đi 14.300 NV. PGS.TS Phạm Văn Bổng – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong tổng số 64.613 NV có 11.500 NV1. So với tổng chỉ tiêu 6.700, tỉ lệ chọi NV1 là 1/1,7 và 1 chọi 9,6 tính theo tổng số 64.613 NV. Những ngành có nhiều NV là Công nghệ kỹ thuật Cơ khí, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ kỹ thuật điện vì định hướng ra trường dễ tìm việc làm và mang tính ổn định. “Với tổng số NV đăng ký vào trường như hiện nay, chúng tôi chắc chắc sẽ tuyển đủ chỉ tiêu. Nhưng sau này khi ngồi cùng nhóm xét tuyển lớn, trường sẽ phải tính toán điểm chuẩn cho hợp lý” - ông Phạm Văn Bổng cho hay

Ngành ít nguyện vọng, cơ hội việc làm lớn

Do có cảnh báo đến năm 2020, cả nước thừa hơn 70.000 giáo viên nên TS đã cân nhắc khi đăng ký vào các trường ĐH, CĐ đào tạo sư phạm. TS Bùi Ngọc Kính – Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Thủ đô Hà Nội thông tin, nhà trường nhận được 5.112 NV, trong đó có 1.100 NV1. Những ngành có nhiều NV là Giáo dục mầm non trình độ ĐH và CĐ, Giáo dục tiểu học bậc ĐH. Những ngành truyền thống của trường có nhiều TS đăng ký vì ra trường dễ xin việc và lương cao. Trong khi đó, cũng là ngành nhà trường đào tạo nhiều năm, nhưng Sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật lại không nhiều TS đăng ký.

Tuy các trường nhận được nhiều NV đăng ký xét tuyển, nhưng đi vào từng ngành lại có sự nhiều, ít rõ rệt. Ông Đinh Văn Sơn cho rằng, nhiều NV đăng ký chưa phải là điều đáng mừng mà còn dựa vào chất lượng của TS sau khi có kết quả thi THPT quốc gia. Chẳng hạn trong số 10.000 NV1 có đến 9.000 em đạt điểm 12 – 13, trường làm sao tuyển nổi khi năm ngoái điểm chuẩn tối thiểu trên 20. Những ngành ít TS đăng ký cũng không nên buồn, bởi là TS có đam mê, học lực chưa chắc đã dốt. Hơn nữa, đây không phải là những ngành khó xin việc. “Hiện nay, nhân lực ngành Hệ thống thông tin quản lý, Thương mại điện tử chưa trở thành vị trí chính thức trong các DN. Nhiều DN tuyển dụng người làm công việc này theo kiểu kiêm nhiệm, nên TS ngại đăng ký. Tuy nhiên, khi nền kinh tế của Việt Nam phát triển hơn và các DN thấy cần thiết phải có nhân lực những ngành này, nhu cầu việc làm sẽ rất lớn” – ông Sơn khẳng định. Còn ĐH Công nghiệp Hà Nội, ông Phạm Văn Bổng nhận định: “Khối ngành Hóa sinh viên ra trường xin việc rất thuận lợi, ngành Kỹ thuật nhiệt nhu cầu xã hội luôn cần nhiều, chưa nói đến 4 năm sau. Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin, Truyền thông và mạng máy tính cũng là ngành xin việc rất dễ…”.

Chúng tôi nhận được hơn 2.000 hồ sơ đăng ký cho các ngành khối quân sự. So với tổng số 484 chỉ tiêu, thì cứ 5 TS lấy 1.

Thiếu tướng Trần Đình Hướng 

Phó Giám đốc Học viện Hậu cần