Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" năm 2024:

Tuyên truyền pháp luật miễn phí cho hơn 200 đồng bào dân tộc thiểu số

Quỳnh Anh, ảnh Duy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 200 đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì được các luật sư tư vấn chính sách, pháp luật về an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Sáng 25/10, tại UBND xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ Chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp tổ chức Chương trình tư vấn chính sách, pháp luật về an sinh xã hội, quyền của đồng bào dân tộc thiểu số cho hơn 200 đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" năm 2024.

Luật sư Nguyễn Ngọc Lan, Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn chính sách pháp luật về an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Khánh Thượng. Ảnh: Duy Khánh.
Luật sư Nguyễn Ngọc Lan, Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn chính sách pháp luật về an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Khánh Thượng. Ảnh: Duy Khánh.

Tham dự có ông Tạ Việt Anh, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam, Phó Trưởng ban tổ chức Chương trình truyền thông; ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng ban thư ký Chương trình trềnền thông "Những cống hiến thầm lặng" năm 2024 (Chương trình-PV); và lãnh đạo UBND xã Khánh Thượng và đông đảo bà con xã Khánh Thượng.

Nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật an sinh xã hội

Năm 2024, với việc đưa Cuộc thi Những cống hiến thầm lặng phát triển thành Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng”, Ban Tổ chức gồm 3 đơn vị: Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) quyết định mở thêm rất nhiều hoạt động mới như: tổ chức cho các nhà báo đi thực tế tại các làng nghề, tư vấn pháp lý miễn phí qua các tác phẩm Podcast trên chuyên trang điện tử Pháp luật và Xã hội; mở ra chuỗi hoạt động tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền hướng đến các sinh viên,…

Ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam, Phó Trưởng ban tổ chức Chương trình truyền thông. Ảnh: Duy Khánh.
Ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam, Phó Trưởng ban tổ chức Chương trình truyền thông. Ảnh: Duy Khánh.

Đây là lần đầu tiên Chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" tổ chức chương trình tư vấn pháp luật miễn phí trực tiếp tại cơ sở và lựa chọn xã Khánh Thượng, một xã vùng xa của Hà Nội, gồm hơn 5.000 đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại chương trình, ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam, Phó Trưởng ban tổ chức Chương trình truyền thông nhấn mạnh, năm 2024, bên cạnh những hoạt động như: tăng cường các chuyến đi, tổ chức các tọa đàm chuyên sâu về những vấn đề mang tính thời sự, Ban Tổ chức quyết định mở các chuỗi sự kiện hướng tới các nhà báo trẻ và hướng tới việc nâng cao nhận thức của Nhân dân thông qua việc mở chuyên mục Tư vấn pháp lý dành cho nữ lao động phi chính thức, các đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tại huyện Ba Vì lần đầu tiên, Chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" 2024 tổ chức chương trình tư vấn pháp lý miễn phí trực tiếp dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Khánh Thượng.

Ông Tạ Việt Anh cho rằng: Chương trình nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Khánh Thượng nâng cao hiểu biết về quyền và lợi ích hợp pháp về những vấn đề liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một ý tưởng tốt đẹp hướng đến đồng bào dân tộc thiểu số.

Hơn 200 đồng bào dân tộc thiểu số xã Khánh Thượng tham dự Chương trình. Ảnh: Duy Khánh.
Hơn 200 đồng bào dân tộc thiểu số xã Khánh Thượng tham dự Chương trình. Ảnh: Duy Khánh.

“Chúng tôi mong muốn, việc tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tới đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật cũng như nâng cao hiểu biết về quyền của đồng bào, để bà con thực thi hiệu quả chính sách dân tộc, từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời, kỳ vọng, đây sẽ là chương trình khởi đầu để mở ra những hoạt động trợ giúp pháp lý hiệu quả hơn nữa tới bà con trong thời gian tới” - ông Tạ Việt Anh nhấn mạnh.

Tư vấn, giải đáp nhiều vấn đề pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tại chương trình, luật sư Nguyễn Ngọc Lan, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã chia sẻ những chính sách pháp luật của Nhà nước để đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động phi chính thức. Đặc biệt là những quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024; quyền của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo luật sư Nguyễn Ngọc Lan, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có nhiều điểm mới tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động phi chính thức,…

Các luật sư tư vấn trực tiếp cho người dân về chính sách pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Khánh Thượng. Ảnh: Duy Khánh.
Các luật sư tư vấn trực tiếp cho người dân về chính sách pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Khánh Thượng. Ảnh: Duy Khánh.

Trong đó, so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có nhiều điểm mới quan trọng liên quan đến người lao động, những thay đổi hướng tới các mục tiêu lớn như: mở rộng đối tượng tham gia; gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài đối với người dân. Hơn thế, Luật đã sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014…

Luật sư Nguyễn Ngọc Lan, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đề cập cũng như nhấn mạnh đến những quy định mới trong Luật Bảo hiểm xã hội; một số chính sách đặc thù hỗ trợ sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số; quyền của người dân tộc thiểu số, quyền của phụ nữ trong hệ thống pháp luật Việt Nam; Luật hôn nhân và gia đình,...

Được tư vấn, trợ giúp pháp lý, đồng bào dân tộc thiểu số xã Khánh Thượng bày tỏ phấn khởi khi được bổ sung thêm những kiến thức pháp luật về an sinh xã hội. Bởi, chính họ là người được thụ hưởng những chính sách trên, nay được nghe trực tiếp, biết mình được Nhà nước quan tâm, nhiều chính sách đối với bà con.

Cũng tại Chương trình, các đồng bào dân tộc thiểu số đã chuyển đến 3 luật sư những tình huống pháp lý vướng mắc trong cuộc sống và được chuyên gia tư vấn, giải đáp cách tháo gỡ, xử lý.

"Nhờ có buổi chia sẻ của luật sư về kiến thức pháp luật và giải đáp về tình huống của gia đình tôi mà tôi đã hiểu được phần nào cũng như đã tìm ra hướng giải quyết về vấn đề tôi đang gặp phải. Mong rằng, Ban tổ chức sẽ có thêm những chuyến tư vấn pháp luật tương tự để giúp bà con dân tộc thiểu số xã Khánh Thượng có thêm tri thức về pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức để thực thi pháp luật", chị Nguyễn Thị Thắm, xã Khánh Thượng, chia sẻ.