Tuyên truyền tạo sự đồng thuận xã hội trong lập Quy hoạch Thủ đô

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch là lần đầu tiên thực hiện. Đây là quy hoạch được thực hiện theo hướng tích hợp đa ngành, rất phức tạp. Do đó, việc truyền thông tạo sự đồng thuận của xã hội có ý nghĩa quan trọng.

Chiều 14/9, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội đã tổ chức buổi làm việc với Sở Thông tin – Truyền thông, các cơ quan báo chí của Hà Nội (báo Kinh tế & Đô thị; báo Hànộimới, Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội) về công tác truyền thông lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch là lần đầu tiên thực hiện. Đây là quy hoạch được thực hiện theo hướng tích hợp đa ngành, rất phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều đơn vị sở, ngành, quận huyện, thị xã, sự đồng thuận của toàn xã hội.

Do đó, việc truyền thông cho công tác lập Quy hoạch Thủ đô có ý nghĩa quan trọng, cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí Thủ đô.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội với các đơn vị truyền thông, báo chí của Hà Nội.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội với các đơn vị truyền thông, báo chí của Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Ngọc Kỳ, nhiệm vụ của các đơn vị truyền thông tới đây là cần tập trung cung cấp đầy đủ, toàn diện các thông tin về công tác lập Quy hoạch Thủ đô đến toàn thể xã hội.

Cụ thể, cần tập trung tuyên truyền về sự tham gia vào cuộc của toàn hệ thống chính trị TP, các tổ chức xã hội nghề nghiệp; tuyên truyền về những nội dung của Quy hoạch Thủ đô. Ngoài ra, việc truyền thông cũng nhằm nâng cao nhận thức cho xã hội, từ lãnh đạo sở ngành, quận, huyện đến từng người dân về lĩnh vực quy hoạch Thủ đô, từ đó thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của toàn bộ xã hội vào việc lập quy hoạch.

“Với tư cách là đơn vị tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô, Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội sẽ đóng vai trò là đơn vị cung cấp thông tin về công tác lập Quy hoạch Thủ đô, đồng thời sẽ tư vấn, giới thiệu các chuyên gia, tổ chức để các cơ quan báo chí mời tọa đàm, hội thảo để xin ý kiến. Viện cũng sẽ phối hợp  với Sở Thông tin – Truyền thông để sớm xây dựng dự thảo kế hoạch truyền thông về công tác lập Quy hoạch Thủ đô để gửi các sở ban ngành TP” – ông Nguyễn Ngọc Kỳ nêu.

Góp ý tại buổi làm việc, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho rằng, lập Quy hoạch Thủ đô là công việc khó, chưa có tiền lệ. Để truyền thông về công tác lập quy hoạch đạt kết quả, trước hết cần nhận thức được mục tiêu, cách thức, khối lượng công việc… “Khi xác định được đường đi thì lúc đó chúng ta mới triển khai nhiệm vụ một cách hiệu quả” – ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Đề xuất với đơn vị tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, cần lập tiểu ban truyền thông lập Quy hoạch Thủ đô của TP để các đơn vị trao đổi thông tin một cách thường xuyên, phối hợp truyền thông hiệu quả. Bên cạnh đó, căn cứ vào kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm để thực hiện truyền thông.

“Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội là đơn vị chủ trì thì việc định hướng cho các đơn vị báo chí tuyên truyền là rất quan trọng. Báo Kinh tế & Đô thị cam kết sẽ cùng với Viện thực hiện tích cực công tác tuyên truyền cho công tác lập Quy hoạch Thủ đô như xây dựng các chuyên trang, sản xuất các chương trình tuyên truyền về công tác lập quy hoạch, huy động các đơn vị tài trợ cùng tổ chức các Hội thảo khoa học, đồng thời phục vụ công tác truyền thông lập Quy hoạch Thủ đô” – ông Nguyễn Minh Đức cho hay.

Đại diện đài Truyền hình Hà Nội cho rằng, từ trước đến nay nói đến quy hoạch thường hay tập trung vào việc lập quy hoạch ít chú ý đến công tác truyền thông. Lần quy hoạch này đã chú ý công tác tuyên truyền, chắc chắn sẽ tạo được sự đồng thuận cao của xã hội.

Để làm tốt công tác truyền thông, định hướng dư luận, Viện nên giới thiệu các chuyên gia chất lượng để các cơ quan báo chí khai thác các ý kiến. Ngoài ra, kiến nghị TP tạo điều kiện cho các phóng viên của các cơ quan báo chí TP được tiếp cận, lưu giữ những hình ảnh trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ tổ chức lập quy hoạch của Hà Nội để làm tư liệu.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Nguyễn Thị Mai Hương, công tác tuyên truyền về lập Quy hoạch Thủ đô do Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đang triển khai cũng là một trong những nội dung của truyền thông chính sách, đó là Luật Quy hoạch.

Đây là chính sách có tác động lớn đến xã hội, là vấn đề khó, nhạy cảm, nhận được nhiều ý kiến khác nhau. “Do đó, việc tập trung cho truyền thông, tạo không khí dân chủ nhằm mục đích huy động tối đa ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân Thủ đô, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng quy hoạch cũng như tính khả thi trong thực hiện quy hoạch” - bà Nguyễn Thị Mai Hương nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, để nhiệm vụ truyền thông được thực hiện bài bản, khoa học, phát huy tối đa hiệu quả, nên thành lập tiểu ban hoặc tổ truyền thông của TP. Quá trình truyền thông cũng cần được chia thành những giai đoạn khác nhau, trong đó tập trung đặc biệt cho giai đoạn chuẩn bị hiện nay, được đánh giá là giai đoạn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong thời gian ngắn tới, cùng với sự đồng hành thông tin, truyền thông của các cơ quan báo chí trong cả nước và Thủ đô, Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội cũng sẽ đưa vào hoạt động chuyên trang thông tin, cập nhật các nội dung liên quan đến công tác lập Quy hoạch Thủ đô để trở thành kênh tuyên truyền, phổ biến và tiếp nhận thông tin phản hồi nhanh chóng, rộng khắp từ người dân Thủ đô.