Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyệt đối không ăn nấm dại, lá rừng lạ, tránh gây hậu quả đáng tiếc

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm mùa Xuân và đầu mùa Hè thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng..). Nhiều trường hợp bị ngộ độc tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề dù đã được cứu chữa kịp thời.

5 người trong một gia đình ngộ độc nấm

Theo thông tin từ Khoa Chống độc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu cho một gia đình 5 người bị ngộ độc do ăn phải nấm có độc.

Theo chị H.T.T. (SN 1980, trú xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), trước đó, chị đi làm về, phát hiện một bụi nấm mọc ven đường. Thấy bụi nấm rất đẹp, giống với nấm mà họ bán ngoài chợ nên chị T. đã hái về nhà nấu ăn. Sau khi chế biến, 5 người gồm vợ chồng chị T. và 3 con trai đều ăn nấm. Tuy nhiên, khoảng 30 phút sau, cả gia đình chị T. bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn dữ dội. Gia đình chị T. sau đó được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu tại khoa Chống độc của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Các bác sĩ cho biết chị T. và gia đình đã ăn phải nấm độc Inocybe fastigiata (nấm mũ khía nâu xám).

Cây nấm gồm hai bộ phận chính gồm: Thể sợi (phần nằm sâu dưới lòng đất) và thể quả (gồm thân nấm, mũ nấm). Bộ phận độc của nấm nằm ở phần thể quả. Một số loài nấm có thể có hàm lượng độc tố thay đổi theo mùa. Trong quá trình sinh trưởng (nấm non hay nấm trưởng thành), trong môi trường đất đai thổ nhưỡng khác nhau…có thể gặp trường hợp ăn cùng một loài nấm nhưng có lúc bị ngộ độc, có lúc không.

Hình ảnh loại nấm độc Inocybe fastigiata (nấm mũ khía nâu xám) mà gia đình chị T. ăn phải dẫn đến ngộ độc.
Hình ảnh loại nấm độc Inocybe fastigiata (nấm mũ khía nâu xám) mà gia đình chị T. ăn phải dẫn đến ngộ độc.

Đối với nấm có họ hàng gần nhau thường rất khó phân biệt theo hình dạng, màu sắc bên ngoài ngay cả đối với những người có kinh nghiệm thường hái nấm rừng về ăn. Việc xác định loài nấm chủ yếu phải nghiên cứu đặc điểm hình thái của mũ, phiến, cuống nấm và phân biệt theo đặc điểm của bào tử nấm. Về phương diện y học, người ta chia nấm độc theo thành phần độc tố có trong nấm hoặc theo thời gian tác dụng. Ngộ độc nấm có thể xảy ra do người hái lượm xác định nhầm một loài độc là ăn được, mặc dù nhiều trường hợp là cố ý ăn phải.

Được biết, sau khi được cấp cứu điều trị, sức khỏe của gia đình chị T. đã ổn định và được xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi.

Trước đó, đêm 29 Tết, anh L.V.Ọ. (trú tại Kon Tum) cùng vợ và chị gái phải nhập viện sau khi ăn nắm lá cây lạ do hàng xóm cho. Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum Đỗ Ngọc Hòa cho biết đã xác định được nguyên nhân gây ra sự việc trên. Thông tin, bước đầu cơ quan chức năng xác định anh Ọ. cùng vợ và chị gái ăn nhằm phải lá thương lục, dân gian còn gọi là sâm voi.

"Củ của cây thương lục to bằng cổ tay, rất giống củ sâm và có tác dụng chữa bệnh trong Đông y nhưng cũng có độc tính. Bà con không nên dùng các loại lá, cây, rau rừng... chưa qua kiểm chứng tránh gây hậu quả đáng tiếc"- ông Hòa cho biết.

Trước đó, chiều tối 19/1, anh L.V.Ọ. được người hàng xóm cho một nắm lá rừng lạ để về ăn. Gia đình anh Ọ. gọi thêm chị gái là bà L.T.H. sang để dùng cơm với gia đình. Trong bữa cơm, mỗi người đều ăn thử khoảng 4-5 lá tươi cuốn với thịt heo. Khoảng 2 tiếng sau khi ăn, cả 3 người có các triệu chứng đau dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy, sau đó mệt mỏi, nhức đầu. Đặc biệt, anh Ọ. còn có triệu chứng tức ngực, khó thở. Các bệnh nhân được người nhà đưa đến trạm y tế xã Bờ Y cấp cứu. Sau khi sơ cứu, các bệnh nhân được lên Bệnh viện Đa khoa huyện Ngọc Hồi điều trị. Đến khoảng 6 giờ ngày 20/1, tình hình sức khỏe của 3 trường hợp này đã ổn định nên được xuất viện về nhà.

Theo Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hồi và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kon Tum, các trường hợp ngộ độc trên "không phải là ngộ độc thực phẩm" mà ngộ độc do lá thương lục. Cơ quan chức năng đã tuyên truyền các gia đình không sử dụng loài thực vật không rõ nguồn gốc, không thử hay ăn lá, rễ, thân cây lạ, đặc biệt không trồng, không ăn cây thương lục.

Theo ghi nhận, cây thương lục được sử dụng trong Đông y để cải thiện triệu chứng xơ gan cổ trướng, giúp thông đại tiểu tiên... Tuy nhiên, trong thành phần của cây thương lục có độc tính nên bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ khi dùng dược liệu này.

Theo các sách Đông y, thương lục là loài cây có độc ở mọi bộ phận (nghiên cứu hiện đại cho thấy chất độc là phytolaccatoxin). Khi cơ thể hấp thụ lượng lớn chất độc này sẽ có biểu hiện tê môi và lưỡi, vã mồ hôi, đau bụng, giãn đồng tử, tăng tiết đờm, co giật, nôn mửa, tụt huyết áp, liệt hô hấp, hôn mê, tim đập nhanh, nói lảm nhảm, tinh thần hoảng hốt... Thậm chí, nếu không kịp thời cấp cứu thì bệnh nhân có thể tử vong.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân thường nhầm lẫn rễ thương lục với nhân sâm. Do đó, người dùng cần đặc biệt lưu ý, tìm hiểu nguồn gốc của dược liệu kỹ càng trước khi sử dụng.

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên

Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho biết, theo số liệu giám sát ngộ độc và yếu tố dịch tễ, hằng năm vào thời điểm mùa Xuân và đầu mùa Hè đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng..). Trong đó đã có những trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho những người bị ngộ độc dù đã được cứu chữa kịp thời.

Để chủ động bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên đặc biệt do nấm độc và các loại hoa quả rừng… Thời gian tới, Cục ATTP đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp với ngành NN&PTNT, đơn vị chức năng tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP trong sử dụng, tiêu dùng sản phẩm nông sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên làm thực phẩm. Đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao hoặc đặc điểm vùng miền (dễ xảy ra ngộ độc).

Lá thương lục mà hàng xóm cho anh Ọ.
Lá thương lục mà hàng xóm cho anh Ọ.

Bên cạnh đó, Cục ATTP đề nghị chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra.

Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời điểm mùa xuân - mùa nấm phát triển nhiều nên hay xảy ra ngộ độc nấm. Không thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc nên bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên hái nấm hoang dại để ăn.

Trên thế giới hiện có hơn 5.000 loại nấm, trong đó có khoảng hơn 100 loài nấm độc mà về hình dáng bề ngoài rất khó phân biệt giữa nấm lành (ăn được) và nấm độc gây chết người. Loại nấm độc trên mặc dù độc nhất nhưng lại có hình thù hấp dẫn, trông trắng, sạch, có vẻ lành tính nhất và khi ăn cũng ngon. Cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém nhưng tỷ lệ tỷ vong rất cao (trên 50%), có những gia đình đã chết cả nhà sau khi ăn phải nấm độc.

“Vì vậy, để an toàn, người dân không nên ăn các nấm mọc hoang dại (có lẽ chỉ trừ mộc nhĩ), chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại nấm, nguồn gốc nấm. Còn trường hợp chẳng may ăn phải nấm nghi độc cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời” – TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng lưu ý người dân, không ăn các loại rau, củ, quả rừng lạ, chưa biết rõ nguồn gốc. Khi chế biến thực phẩm, người dân cần tuân thủ những nguyên tắc: Với các loại nấm, chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được; tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại. Không được ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ. Để tránh ngộ độc khoai tây, không nên mua hoặc chế biến thức ăn từ những củ khoai đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh.

Do vỏ củ cải trắng có độc tố furocoumarins. Để tránh độc, khi ăn củ cải, cần gọt bỏ sạch vỏ, nấu chín, nướng, gia nhiệt trong lò vi sóng, củ cải sẽ hết độc. Phơi khô, bảo quản tốt, tránh để các loại hạt ẩm mốc; không ăn những hạt đậu, lạc đã bị mốc, thâm đen. Xyanua là chất gây độc trong măng, do vậy, khi ăn măng tươi phải ngâm, rửa kỹ trong nước nhiều giờ và luộc bỏ nước nhiều lần trước khi chế biến. Trong sắn cũng có chất độc xyanua. Để loại bỏ chất độc, khi muốn ăn sắn phải bóc vỏ, ngâm nước lạnh nhiều giờ trước khi chế biến.

Ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên có thể gây tử vong nhanh, nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, khi có các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn uống thực phẩm nghi có độc tố tự nhiên, cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.

 

Cục ATTP đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATTP và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho cộng đồng, khuyến cáo người dân không sử dung các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc ̣ như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ... Chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương. Tập trung vào các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Sử dụng các vật liệu truyền thông bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc. Cùng với đó, đơn vị hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.