Năm 2022, Musk gây tiếng vang với thương vụ thu mua Twitter trị giá 44 tỷ USD. chủ nhân danh hiệu Nhân vật của năm 2021, tiếp tục được tạp chí Time đề cử vào danh sách ứng viên cho bình chọn Nhân vật của năm 2022 nhưng việc kinh doanh lại không được như vậy.
Xu thế chuyển đổi số đang phát triển nhưng việc kinh doanh của các tập đoàn công nghệ lại chững lại, đó là điểm bất thường.
Làn sóng sa thải nhân sự công nghệ
Đầu năm 2021, Elon Musk trở thành người thứ hai trên thế giới sở hữu tài sản cá nhân hơn 200 tỷ USD, một tháng sau khi ông chủ Amazon Jeff Bezos đạt cột mốc này. Musk đứng đầu danh sách những người giàu nhất thế giới trong phần lớn năm 2022, nhưng cuối năm bị tụt xuống thứ 2.
Sau khi tiếp quản Twitter, Musk thay đổi mạnh mẽ mạng xã hội này. Ông cũng sa thải một nửa trong số 7.500 nhân viên và đưa ra hàng loạt chính sách mới, trong đó yêu cầu người lao động làm việc tối thiểu 40 giờ mỗi tuần. Sau đó Elon Musk cắt bữa ăn miễn phí tại trụ sở chính của Twitter ở San Francisco, tiêu tốn của Twitter khoảng 13 triệu USD/năm, vì cho rằng khoản chi này quá tốn kém.
Tháng 7/2022, Mark Zuckerberg, CEO Facebook, đã nhắc nhở nhân viên về việc tăng cường hiệu suất làm việc hoặc rời đi. Đến tháng 11, ông thông báo sa thải 13% số nhân viên, tương đương 11.000 người. Tuy nhiên, CEO Meta cảnh báo việc cắt giảm vẫn chưa dừng lại trong thời gian tới.
Đầu quý 3/2022, CEO Google Sundar Pichai cũng yêu cầu nhân viên phải tăng năng suất làm việc thêm 20% nếu không muốn bị mất việc. Lãnh đạo cấp cao Google đã yêu cầu các đơn vị đánh giá hiệu suất và xếp hạng nhân viên để giảm bớt 10.000 nhân sự làm việc kém hiệu quả. Con số này tương đương 6% trong tổng số gần 187.000 nhân viên.
Nhân viên Amazon cũng đối mặt đợt sa thải lịch sử. Từ tháng 10/2022, CEO Andy Jassy triển khai chiến lược nhân sự "tiết kiệm gấp đôi". Tháng 11/2022, Amazon đóng băng tuyển dụng, giảm hàng loạt chi phí vận hành, thu hẹp hoạt động các bộ phận không có lãi. Các công ty công nghệ lớn khác HP, Microsoft, Salesforce, Lyft... cũng xác nhận kế hoạch điều chỉnh nhân sự.
Theo thống kê từ Layoffs.fyi, tổng số lao động công nghệ bị sa thải ở Thung lũng Silicon đã vượt 100.000 người. Đây là điều chưa từng có tại Thung lũng Silicon, đe dọa nghiêm trọng đến việc phân bổ, thu hút tài năng công nghệ của trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới này.
Các công ty công nghệ lớn chững lại
Điểm sáng hiếm hoi, ông Zhang Yiming, người Trung Quốc sáng lập công ty mẹ của TikTok, ByteDance, đã tăng khối tài sản của mình hơn 10 tỷ USD (lên gần 55 tỷ USD). Tập đoàn Huawei của Trung Quốc công bố doanh thu năm 2022 với tăng trưởng bằng 0 do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Phần lớn các ông trùm công nghệ Mỹ bị thua lỗ. Mức độ nhẹ có Larry Ellison, người đồng sáng lập Oracle, mất 16 tỷ USD; Michael Dell của Dell Technologies giảm khoảng 7 tỷ USD, khiến ông chỉ đứng trước Zuckerberg (Meta) trong danh sách 25 người giàu nhất.
Ngày 31/12/2022, tờ Bloomberg của Mỹ công bố tỷ phú Elon Musk chỉ còn sở hữu khối tài sản trị giá 137 tỷ USD, sụt giảm 203 tỷ USD so với mức đỉnh 340 tỷ USD thời điểm tháng 11/2021. Điều này khiến ông trở thành người đầu tiên trên thế giới mất lượng tài sản trị giá hơn 200 tỷ USD.
Khối tài sản hiện nay của Musk phần lớn đến từ cổ phiếu hãng xe điện Tesla. Công ty đạt giá trị thị trường hơn 1.000 tỷ USD cuối năm 2021, xếp chung hàng ngũ với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Microsoft, Amazon và Google. Do trong năm 2022 cổ phiếu Tesla đã mất giá gần 70 % chủ yếu liên quan đến thương vụ mua mạng xã hội Twitter, khiến tỷ phú Mỹ mất hơn 100 tỷ USD. Một số nhà đầu tư Tesla cho rằng Musk tập trung quá nhiều vào mạng xã hội, họ rút vốn hoặc yêu cầu Musk chú trọng hơn vào công ty xe điện.
2022 là một năm thất bại của Meta. Sau khi đổi tên từ Facebook sang Meta vào tháng 10/2021 để theo đuổi tham vọng vũ trụ ảo, công ty của Mark Zuckerberg liên tục đi xuống. Ngoài ra, động thái của Apple trong việc thay đổi chính sách quyền riêng tư trên iOS cũng tác động nghiêm trọng đến doanh thu quảng cáo của nền tảng. Theo các chuyên gia, Meta đang gặp vấn đề lớn với tham vọng của mình khi chi phí cho nền tảng này. Ván cược của Meta vào vũ trụ ảo đã tiêu tốn 9,4 tỷ USD năm 2022 và hơn 10 tỷ USD năm 2021 và chưa có tín hiệu dừng.
Theo thống kê, doanh thu quý III/2022 của Meta giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Meta cũng bị văng khỏi danh sách 20 công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới. Năm ngoái, họ từng là một trong năm công ty trị giá hơn 1.000 tỷ USD tại Mỹ cùng với Apple, Microsoft, Alphabet và Amazon. Hiện giá trị công ty còn khoảng 270 tỷ USD, thấp hơn cả các công ty như Home Depot, Pfizer và Coca-Cola.
Năm 2022, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, người từng lọt top 10 người giàu nhất thế giới, đã mất gần 81 tỷ USD giá trị tài sản ròng. Các tỉ phú công nghệ lớn trên thế giới đã mất 433 tỷ USD trong năm 2022 khi cổ phiếu lao dốc và nhiều công ty đã chững lại chuỗi tăng trưởng liên tục kéo dài hàng thập kỷ qua. Xu thế phát triển năm 2023 của các công ty công nghệ trở nên khó lường hơn dù kinh tế thế giới đã bước đầu hồi phục sau đại dịch Covid-19.
*Tham khảo The Washington Post và Bloomberg