Tỷ giá 2022: Giảm dần về cuối năm

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm 2022, có thời điểm mất giá 7-8% so với cuối năm 2021 nhưng đến ngày giao dịch cuối cùng của năm 2022, VND chỉ còn mất giá 3,53%, bằng một nửa so với hai tháng trước. Trong khi đó, giá USD tự do lao dốc mạnh.

Tỷ giá sẽ duy trì ổn định đến hết Tết Nguyên đán

Ngày giao dịch cuối năm 31/12, giá bán USD tại Vietcombank chỉ còn 23.730 đồng/USD, giảm 50 đồng/USD so với ngày trước đó. Còn so với giá USD ngày giao dịch đầu năm là 22.920 đồng/USD, thì trong năm qua giá USD chỉ tăng 810 đồng/USD, tương đương 3,53%. Tỷ giá trung tâm ở mức 23.612 đồng/USD, giảm 5 đồng so với phiên trước. So với đầu tháng 12, tỷ giá trung tâm đã giảm khoảng 50 đồng/USD.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Giá USD tự do cũng mất mốc 24.000 đồng/USD. Cuối ngày 31/12 giá bán USD tại thị trường tự do chỉ còn 23.774 đồng/USD, mua vào 23.724 đồng/USD. So với mức đỉnh cuối tháng 10 là 25.200 đồng/USD, giá mua bán USD tại thị trường tự do đã giảm khoảng 1.326 đồng/USD.

Nhìn lại quá trình điều hành của điều hành chính sách tiền tệ năm 2022 vừa qua có thể thấy quá trình khó khăn và vất vả mà NHNN phải đối mặt. Theo đó, các đợt tăng lãi suất không ngừng nghỉ từ cuối quý I của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kích hoạt đợt tăng giá mạnh nhất của đồng bạc xanh trong nhiều năm qua, đưa chỉ số USD Index lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ và "điểm chịu lực" đầu tiên là tỷ giá USD/VND.

Trước sức ép liên tục gia tăng, NHNN đã phải bán ra lượng lớn ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối để ổn định thị trường. Theo thống kê của giới phân tích, trong 9 tháng đầu với tâm điểm là quý III, lượng ngoại tệ mà NHNN đưa ra can thiệp đã vượt ngưỡng 20 tỷ USD, tương đương hơn 20% tổng dự trữ ngoại hối.

Dù NHNN đã triển khai nhiều công cụ hỗ trợ, tỷ giá trong nước vẫn liên tục leo thang. Theo đó, trong quý III, giá USD tại các ngân hàng đã tăng thêm khoảng 600 đồng, cao hơn cả mức tăng lũy kế của cả 6 tháng đầu năm và chính thức vượt mốc 24.000 đồng. Chưa đầy 1 tháng sau đó, giá USD đã leo lên mức kỷ lục gần 24.900 đồng, đưa mức mất giá của tiền Đồng kể từ đầu năm lên 8,6% - cao nhất trong nhiều năm qua.

Để duy trì được sự ổn định của tỷ giá giữa muôn vàn thách thức, NHNN đã sử dụng đồng bộ, linh hoạt các công cụ như: Sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay…

Từ ngày 17/10, NHNN đã quyết định nới biên độ tỷ giá từ mức +-3% lên +-5% Theo đánh giá của các chuyên gia, quyết định này đã phần nào tạo ra không gian rộng lớn hơn để các chủ thể, trong đó có các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, nhà đầu tư nước ngoài và người dân lựa chọn cách thức tỷ giá cân bằng trên cơ sở cung cầu thị trường. Diễn biến thị trường cho thấy, sau khi biên độ tỷ giá được nới rộng ra, tỷ giá thị trường đã tiếp tục biến động thêm một số ngày rồi dần dần tìm được điểm cân bằng và ổn định từ giữa tháng 11 cho đến nay.

Một trong những mục tiêu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Ở thời điểm hiện nay, giới phân tích nhận định, mục tiêu này đang có một số yếu tố thuận lợi. Đó là: Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát thao túng tiền tệ trong kỳ công bố Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” mới đây.

Mặt khác, Fed giảm mức độ tăng lãi suất vào tháng 12 tới. Cùng với đó, các biến số quan trọng như cán cân thanh toán hay sức khỏe nền kinh tế/ổn định chính trị của Việt Nam đang được dự báo tích cực. Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho NHNN linh hoạt hơn trong chính sách quản lý ngoại hối, làm chậm lại khả năng trượt giá của VND, qua đó cũng sẽ giúp hạ nhiệt tỷ giá.

Theo dự báo của các chuyên gia, với nguồn cung dồi dào, khả năng từ nay đến Tết Nguyên đán tỉ giá sẽ giảm thêm. Tháng cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán này, lượng kiều hối chuyển về sẽ tăng lên theo quy luật hằng năm.

Kịch bản tỷ giá cho năm 2023

Năm 2023, giới phân tích dự báo, tỷ giá vẫn còn chịu áp lực, dù không quá lớn như giai đoạn vừa qua. Theo đó, sự bất định của kinh tế toàn cầu, cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết... cũng là những yếu tố gây áp lực lên tỷ giá.

Giới phân tích trong nước đưa ra 3 kịch bản biến động của tỷ giá ngân hàng thương mại trong năm 2023. Ở kịch bản thứ nhất, lãi suất mục tiêu của Fed năm 2023 là 5%, lãi suất hiệu lực của FED được ước lượng khoảng 4,7%; tỷ giá ngân hàng thương mại là 25.609  đến 25.857 đồng;

Kịch bản thứ hai, lãi suất mục tiêu của Fed khoảng 5,25% và lãi suất hiệu lực được kỳ vọng ở mức 4,95%, tỷ giá ngân hàng thương mại là 26.106 – 26.355 đồng; Kịch bản thứ ba, lãi suất mục tiêu của Fed khoảng 5,5% và lãi suất hiệu lực được kỳ vọng ở mức 5,2%; tỷ giá ngân hàng thương mại là 26.603 - 26.852 đồng.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, định hướng năm 2023, trong điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá, NHNN sẽ tiếp tục những chính sách hết sức linh hoạt và đảm bảo được cân đối chung để đảm bảo được niềm tin doanh nghiệp, người dân trong nền kinh tế đối với việc duy trì sự ổn định lãi suất cũng như ổn định xã hội.

"Sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, thận trọng, cố gắng đáp ứng đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho tăng trưởng. Chính sách lãi suất, tỷ giá linh hoạt, đảm bảo niềm tin của DN và người dân. Bên cạnh đó tiếp tục cung ứng vốn vào lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, sản xuất hàng phụ trợ, thu mua lương thực nông sản…", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Với bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới có nhiều thách thức hơn thuận lợi hiện nay, sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá là hướng đi phù hợp. Dự đoán của Trung tâm Giải pháp và Giao dịch Shinhan, tỷ giá VND/USD trung bình năm 2023 sẽ dao động từ 22.190 đến 24.300 đồng/USD. Shinhan cho rằng, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 trong khoảng 6%, nhờ nhu cầu trong nước và dòng vốn FDI. Việc đa dạng hóa các nước xuất khẩu cũng sẽ giúp chống lại sự suy giảm trong xuất khẩu khi các nước xuất khẩu lớn tăng trưởng chậm lại, đồng thời giúp thu hút dòng vốn FDI.