Tỷ giá tăng có yếu tố tâm lý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn hai tuần kể từ lần điều chỉnh tăng tỷ giá mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ giá đồng USD/VND vẫn tiếp tục tăng mạnh, sát trần biên độ của NHNN quy định.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 26/5, TS Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận xét, bên cạnh tác động từ bên ngoài, phản ứng của thị trường ngoại hối còn có tác động từ yếu tố tâm lý.
Giao dịch tại chi nhánh Agribank Hà Nội. 	Ảnh: Thanh Hải
Giao dịch tại chi nhánh Agribank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Theo ông Ngoạn, các đồng tiền trên thế giới đang bị phá giá so với đồng USD cũng gây áp lực lên tiền đồng. Vừa qua, NHNN đã tăng thêm 1% tỷ giá, động thái này thể hiện tính chủ động của NHNN. Chính sách tỷ giá trong thời gian qua ưu tiên sự củng cố và làm tăng niềm tin của người dân đối với đồng tiền Việt Nam. Tuy nhiên, giá cả quốc tế liên tục trong mấy năm qua giảm và ở mức thấp. Năm qua, theo chỉ số của Economic, chỉ số giá lương thực giảm tới 23% làm cho hàng nông sản của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn. Nhập khẩu tăng nhưng xuất khẩu gặp khó khăn, tác động trực tiếp tới nền kinh tế. “Hiện nhập siêu của Việt Nam đã bắt đầu quay trở lại sau nhiều năm xuất siêu. Kinh tế đã bắt đầu phục hồi nên doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị” - ông Ngoạn nói .

Bên cạnh những yếu tố trên, theo Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, phản ứng của thị trường ngoại hối còn có tác động từ yếu tố tâm lý.Yếu tố này cũng tác động tới cả hành vi găm giữ ngoại tệ của các tổ chức từ tín dụng, ngân hàng, người xuất khẩu, nhập khẩu. Các tổ chức tín dụng theo luật định hiện nay, trạng thái ngoại tệ của họ cộng trừ 20% so với vốn điều lệ, nên có lúc họ bán trước, có lúc họ mua trước bán sau, đó là hoạt động kinh doanh bình thường.

Cũng theo ông Ngoạn, báo cáo đánh giá cho thấy, cân đối ngoại tệ chung của Việt Nam năm nay vẫn ở trạng thái thặng dư. Tuy nhiên, nguồn ngoại tệ chảy vào trong nước rồi có thể chuyển vào hệ thống ngân hàng, NHNN hay không còn phụ thuộc vào hành vi ứng xử của thị trường. Cho nên, NHNN cần phải có chính sách điều hành và đưa thông tin như thế nào đó để hành vi ứng xử của thị trường không đi lệch với những yếu tố cơ bản.

Trước đó, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch nhận xét: Tỷ giá có tăng, tuy nhiên, vẫn nằm trong biên độ cho phép. Hiện tượng biến động hàng ngày của tỷ giá chỉ là một câu chuyện “hết sức bình thường”, và nguyên nhân một phần đến từ tâm lý và nhu cầu. “NHNN vừa điều chỉnh tỷ giá, nên ít nhất trong vài tháng tới, NHNN sẽ không điều chỉnh nữa, mà sẽ bán ngoại tệ ra, can thiệp trong trường hợp cần thiết để dập sóng đầu cơ. Theo dự báo, năm 2015, Việt Nam vẫn thặng dư tài khoản vãng lai và cán cân thanh toán 4 - 5 tỷ USD” - ĐB Lịch nhận định.
Sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường
Đó là khẳng định của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trước tình hình tỷ giá tăng liên tục thời gian gần đây. Phó Thống đốc cho biết, từ đầu năm đến nay, hệ thống vẫn mua ròng ngoại tệ. Cách thức điều hành này sẽ tiếp tục khuyến khích các tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ cho hệ thống các tổ chức tín dụng. Vì vậy, NHNN sẽ điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, tiếp tục theo dõi sát thị trường, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỷ giá trong biên độ cam kết tăng tỷ giá không quá 2% từ đầu năm.
Ngày 26/5, tỷ giá tiếp tục được các ngân hàng tăng từ 15 - 30 đồng/USD, lên mức khoảng 21.805 - 21.865 ðồng/USD mua vào - bán ra. (Đinh Nguyễn)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần