Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ giá tăng nóng, doanh nghiệp tìm muôn cách xoay xở

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nửa cuối năm 2023, tỷ giá đồng USD/VND tăng mạnh đã gây áp lực lên việc điều hành tài chính, tiền tệ. Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.

Tiết giảm chi phí, điều tiết nhập khẩu

Cuối tháng 9/2023, tỷ giá có thời điểm chạm ngưỡng 24.600 VND/USD ở chiều bán ra, tăng 3,7% so với đầu năm và tăng 1,1% so với “đỉnh” cuối năm 2022. So với phiên giao dịch đầu năm 2023, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng 800 đồng/USD, mức tăng khá mạnh.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Sức ép lên tỷ giá gia tăng từ tháng 6/2023, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục giảm lãi suất điều hành, với 4 lần. Thêm vào đó, thanh khoản tiền đồng dư thừa do tăng trưởng tín dụng yếu, khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ngày càng nới rộng.

Trong khi đó, trên thị trường quốc tế, đồng USD tăng mạnh, chỉ số đồng USD có lúc chạm ngưỡng 106,5 điểm, mức cao nhất kể từ đầu năm. Với đà tăng của đồng USD trên thị trường thế giới, chênh lệch lãi suất USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức 4-5 điểm % đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng, gây áp lực lên tỷ giá USD/VND trong nước.

Tỷ giá USD/VND biến động tăng mạnh đặt ra bài toán áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Giám đốc Công ty CP Hawee Đỗ Thị Thu Hương cho biết, tỷ giá vừa qua có biến động tương đối lớn, tác động không nhỏ đến doanh nghiệp do chi phí đầu vào tăng. Tỷ giá biến độn kéo theo hàng loạt hệ lụy như chi phí vận chuyển, container hàng nhập khẩu bị đội thêm chi phí; giá nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng…

Tổng giám đốc một công ty kinh doanh hoá mỹ phẩm ở Hà Nội cho hay, doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng thường xuyên từ Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… và hợp đồng nhập khẩu chủ yếu được thanh toán bằng USD. Sự biến động của tỷ giá kể từ giữa tháng 6 đến nay khiến doanh nghiệp gặp khó. Theo tính toán của doanh nghiệp, tỷ giá tăng đã làm tổng chi phí tăng thêm khoảng 0,5%.

“Chúng tôi dự kiến sẽ ngưng nhập nhóm hàng rủi ro cao (hàng cao cấp), với hàng tiêu dùng tầm trung sẽ giảm 50%, hàng bán tới đâu nhập đến đó, không trữ hàng để tránh tồn kho. Ngoài ra, hệ thống cũng sẽ tìm kiếm một số nhà cung cấp sản phẩm trong nước với giá mềm hơn để thay thế hàng nhập khẩu phục vụ mùa Tết” - vị Tổng giám đốc nói.

Dù thuộc ngành hàng xuất khẩu nhiều nhưng Tổng Giám đốc Công ty May 10 Thân Đức Việt bộc bạch, doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng từng tuần, từng ngày. Song, mặt khác cũng phải “chống chọi” với biến động tỷ giá. Trong bối cảnh kinh tế bình thường, tỷ giá USD/VND tăng có lợi cho xuất khẩu, nhất là ở các thị trường lớn và ngành hàng quan trọng như điện thoại, dệt may, da giày… nhưng mặt trái của nó lại đẩy tăng chi phí vốn thêm để nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu nhiều hơn.  Trong khi hầu hết các hợp đồng xuất khẩu đã ký cho đầu năm và xuất khẩu hàng hóa vào cuối năm, nên doanh nghiệp không kịp tăng giá sản phẩm. Do vậy, doanh nghiệp đang cố tiết giảm những chi phí khác, cũng như dùng nguồn vốn tích trữ để chi trả cho những khoản chênh lệch của tỷ giá.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Giấy Xuân Mai Phạm Dũng nêu kinh nghiệm ứng phó với biến động tỷ giá là phải mua USD của ngân hàng trước từ 1 - 2 tháng để không bị động. "Do có kinh nghiệm nên cách đây mấy tháng, công ty đã mua tỷ giá ở mức 23.700 - 23.800 đồng/USD, nay đã lên 24.300 - 24.500 đồng/USD" - ông Dũng chia sẻ. Với những doanh nghiệp có nguồn tài chính có thể bắt sóng tỷ giá để ký quỹ mua hàng trước và thu lợi khi giá tăng.

Mạnh tay hút ròng tiền, giảm chênh lệch lãi suất USD/VND

Hiện các doanh nghiệp đang tự ứng phó xoay sở, tuy nhiên hầu hết đều lo ngại, nếu tỷ giá tiếp tục neo cao trong 4-5 tháng nữa sẽ ảnh hưởng đến việc nhập hàng cho năm 2024. Khi đó, giá cả thị trường nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng. Còn hiện tại, các doanh nghiệp vẫn trong xu hướng giữ giá để kích cầu tiêu dùng.

Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp nên có biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá để tránh những biến động khó lường của thị trường. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể lựa chọn những ngân hàng có chính sách tài trợ thương mại hấp dẫn, sử dụng các công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi…

Nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá, cuối tháng 9 NHNN đã kích hoạt trở lại hoạt động phát hành tín phiếu với tổng quy mô gần 93.800 tỷ đồng trong 7 phiên, qua đó hút khỏi hệ thống ngân hàng lượng VND tương ứng. Sang tháng 10, phiên giao dịch gần nhất 3/10, NHNN tiếp tục chào bán tín phiếu rút ra khỏi hệ thống 10.000 tỷ đồng.

NHNN sẽ làm đồng thời cả 2 nhiệm vụ, một mặt hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn, lượng hút là vừa đủ để cân bằng tỷ giá bước đầu và không gây ra căng thẳng thanh khoản trên liên ngân hàng.
NHNN sẽ làm đồng thời cả 2 nhiệm vụ, một mặt hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn, lượng hút là vừa đủ để cân bằng tỷ giá bước đầu và không gây ra căng thẳng thanh khoản trên liên ngân hàng.

Quyết định của NHNN được giới chuyên môn đánh giá là sẽ góp phần ổn định tỷ giá USD/VND. Phát hành tín phiếu của NHNN nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND. Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, USD tăng giá mạnh thời gian gần đây, hiện NHNN đang theo dõi sát thị trường ngoại tệ, đang điều hành để ổn định tỷ giá.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán BSC, tỷ giá trong năm nay NHNN vẫn có dư địa để điều hành tỷ giá nhờ: cán cân thương mại ngày càng thặng dư; lượng kiều hối chảy vào Việt Nam được ghi nhận vẫn ở mức ổn định; nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ thoái vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn FDI đang có xu hướng quay trở lại tích cực… Bởi vậy, việc ổn định được tỷ giá trong biên độ phù hợp sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam.

 

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, thời gian tới, NHNN sẽ làm đồng thời cả 2 nhiệm vụ, một mặt hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn, lượng hút là vừa đủ để cân bằng tỷ giá bước đầu và không gây ra căng thẳng thanh khoản trên liên ngân hàng. Song song với đó là tiếp tục ban hành các chính sách giúp lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm và tín dụng khơi thông. Hành động này của NHNN có thể kéo dài đến cuối năm, trước khi có những dấu hiệu mới đối với nền kinh tế.