Bệnh nhân nội trú tăng 8,6%
Ông Đàm Hiếu Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) cho biết, những tháng đầu năm, quỹ BHYT đã chi trả cho 359 bệnh nhân có chi phí trên 300 triệu đồng; 1.121 bệnh nhân có chi phí từ 200 - 300 triệu đồng. Bệnh nhân có chi phí cao nhất là ông N.M.H (Vân Đồn, Quảng Ninh) điều trị viêm gan tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai, được BHYT chi trả tới gần 1,4 tỷ đồng. "So với cùng kỳ 2017, số lượt KCB tăng 12,08%; chi KCB BHYT tăng 19,21%, bằng 28,93% dự toán được giao. Đáng chú ý, tỷ lệ vào điều trị nội trú chung toàn quốc đã tăng lên 8,6%" - ông Trung nói.
Theo nhận xét của ông Vũ Xuân Bằng - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), việc gia tăng tỷ lệ bệnh nhân vào nội trú (bình quân các năm trước là 5 - 7%) có thể coi là một trong những nguyên nhân đẩy tổng chi phí lên cao. Thông kê cho thấy, trong khi toàn quốc, tỷ lệ điều trị nội trú 8,6% nhưng khối BV đa khoa tuyến huyện, tỷ lệ này cao bất thường, lên đến trên 40%. Điển hình như Hà Giang, BV đa khoa huyện Xín Mần (54%); BV đa khoa huyện Đồng Văn (53%); BV đa khoa Nà Chì (49%); BV đa khoa KV huyện Hoàng Su Phì (48%); Tỉnh Sơn La: BV đa khoa Sốp Cộp (52%), BV đa khoa Mường La 41%;...Sẽ sửa đổi giá tiền giườngCũng theo BHXH Việt Nam, chi phí tiền ngày giường bệnh trong quý I/2018 vẫn tiếp tục đà tăng lên, chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng chi phí, với số tiền 3.711 tỷ đồng (tăng 928 tỷ đồng so với quý I/2017). Thậm chí, một số tỉnh có mức gia tăng chi tiền giường đến trên 46% như Thừa Thiên - Huế (tăng 90,6 tỷ đồng), Quảng Bình (tăng 41,8 tỷ đồng, tương ứng 24,35%), Sơn La (tăng 45 tỷ đồng, tương ứng 16,52%)…Ông Vũ Xuân Bằng lý giải, hiện đang có một số bất cập làm tổng chi cho giá giường bệnh tăng, do định mức giường bệnh xây dựng theo Thông tư 04, sau đó là Thông tư 37 là đáp ứng đầy đủ những nhu cầu sinh hoạt và chữa bệnh của người bệnh, nhưng không phải BV nào cũng đáp ứng được. Qua khảo sát tại 3 tỉnh Bắc Ninh, An Giang và Hà Giang vừa qua thì chỉ có 13/52 phòng điều trị nội trú có lắp điều hòa nhiệt độ, 11/52 phòng có máy hút ẩm, 4/52 phòng có quạt thông gió... Trong khi tất cả chi phí này đã nằm trong định mức tạo nên giá giường bệnh, việc BV chưa đáp ứng được mà đã thu tiền khiến người bệnh bị thiệt.Tại nhiều cơ sở y tế, chi phí giường bệnh chiếm tới 60% trong cơ cấu tổng chi phí điều trị. Bên cạnh đó, chi phí vật tư y tế so với tổng chi phí dịch vụ y tế cũng cho thấy nhiều điểm bất hợp lý. Một bất hợp lý nữa là về nhân lực y tế, trong định mức xây dựng giá giường bệnh là 1,34 nhân lực/giường bệnh, tỉ lệ bác sĩ và điều dưỡng phải tuân thủ là 1 bác sĩ cần có 3 - 3,5 điều dưỡng. Nhưng thực tế hiện nay chỉ đạt 0,7 nhân lực/giường bệnh, thậm chí có nơi chỉ đạt 0,5 và thấp hơn nữa.Trước những bất cập này, Bộ Y tế đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung giá một số dịch vụ y tế. Theo đó, sẽ tăng giá giường điều trị đối với các BV hạng đặc biệt và hạng I; giảm ở BV hạng II, III, IV. Cụ thể, ở BV hạng đặc biệt, giá giường bệnh ở dịch vụ điều trị hồi sức tích cực (ICU) hay ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc được điều chỉnh từ 677.100 đồng/ngày lên 751.000 đồng/ngày; giường bệnh ở hồi sức cấp cứu, chống độc từ 362.800 đồng lên 425.100 đồng/ngày và giường bệnh ngoại khoa, phỏng từ 306.100 đồng lên 338.000 đồng/ngày... Tương tự, với BV hạng I, giá giường bệnh như trên cũng điều chỉnh từ 632.200 đồng lên 710.000 đồng/ngày, từ 335.900 đồng lên 404.000 đồng/ngày và 286.400 lên 317.000 đồng/ngày.Với các BV hạng II, III và IV, phần lớn giá giường bệnh được điều chỉnh giảm nhưng mức giảm không nhiều. Nếu nằm ghép 2 người chỉ được thanh toán 50%, ghép từ 3 người trở lên chỉ được thanh toán 30%.