70 năm giải phóng Thủ đô

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Tỷ lệ chọn bài thi khoa học xã hội áp đảo: Cuộc chơi công bằng

Theo Báo Giáo dục & Thời đại
Chia sẻ Zalo

Năm nay, 63% trong tổng số hơn 1.071.395 thí sinh dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT chọn bài thi KHXH. Liệu áp lực vào ĐH ở khối ngành này có trở nên gay gắt?

Cao nhất trong 6 năm trở lại đây

Nhiều học sinh khối 12 cho biết, sở dĩ chọn bài thi Khoa học xã hội cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 bởi đã có kết quả trúng tuyển sớm bằng phương thức xét học bạ vào các trường đại học, nên chọn bài thi tổ hợp nhẹ nhàng để hoàn tất điều kiện tốt nghiệp THPT. Bài thi Khoa học xã hội được nhiều học sinh đánh giá “dễ thở” hơn bài thi Khoa học tự nhiên, là giải pháp an toàn để tránh bị điểm liệt.

Giáo viên các trường THPT cũng lý giải, nhiều thí sinh lựa chọn bài thi Khoa học xã hội bởi cho rằng, các môn thi thành phần của bài thi này gần gũi với cuộc sống, có thể suy luận tình huống, suy đoán đáp án. Với những học sinh chưa vững kiến thức các môn Khoa học tự nhiên, việc chọn bài thi này không chỉ đạt mục đích tốt nghiệp mà còn giúp các em có thêm thời gian, đầu tư vào các môn thi THPT bắt buộc (vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa dùng xét tuyển đại học như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ).

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, lựa chọn bài thi Khoa học xã hội thường rơi vào các trường THPT vùng xa, khó khăn, ngoại thành. Ở các trường THPT tốp đầu, các em có xu hướng chọn bài thi Khoa học tự nhiên. Chẳng hạn, với gần 700 học sinh khối 12, Trường THPT Bùi Thị Xuân ghi nhận hơn 80% học sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên.

“So với địa phương khác, học sinh TP Hồ Chí Minh phần lớn chọn bài thi thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên do các em có thiên hướng khối ngành công nghệ, kỹ thuật, kinh tế… Những trường, ngành nghề này lại có nhiều tổ hợp môn xét tuyển là các môn trong bài thi Khoa học tự nhiên nên lựa chọn này sẽ giúp các em rộng cửa vào đại học”, thầy Phú thông tin.

Học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2/6. Ảnh: Mạnh Tùng  
Học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 2/6. Ảnh: Mạnh Tùng  

Không quá căng thẳng

Tỷ lệ thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội có xu hướng ngày càng áp đảo bài thi Khoa học tự nhiên khiến nhiều học sinh khối 12 lo lắng cho con đường vào đại học, đặc biệt ở các khối ngành Khoa học xã hội. Theo dự báo của nhiều giáo viên, điểm chuẩn các ngành tuyển sinh tổ hợp Khoa học xã hội sẽ nhỉnh hơn năm trước, tỷ lệ cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tuyển sinh ở các trường đại học, tỷ lệ thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội tăng không ảnh hưởng nhiều đến việc xét tuyển đại học cũng như mức độ cạnh tranh. ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh đưa ra 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường đại học năm nay đều tăng. Chẳng hạn, Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh tăng chỉ tiêu từ 6.300 lên 7.000.

Thứ hai, các trường đại học hiện nay đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, trong đó sử dụng tỷ trọng lớn phương thức xét kết quả học bạ THPT, đánh giá năng lực. Do đó, mức độ cạnh tranh khi sử dụng các tổ hợp xét tuyển này (thường ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT) bị “bão hòa”…

Thứ ba, tổ hợp được các trường đại học sử dụng nhiều nhất cho xét tuyển đại học hiện nay là A00 (Toán, Vật lý, Hóa học); A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh); B00 (Toán, Hóa học, Sinh học); D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh). Các môn thuộc bài thi Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân rất ít xuất hiện (trừ một số ít trường tuyển khối ngành Xã hội và nhân văn).

“Các thí sinh có học lực trung bình, trung bình khá thường đăng ký thi tốt nghiệp THPT bài thi Khoa học xã hội nhiều hơn vì biết rõ sức học. Đồng thời, các em cũng ít lựa chọn vào các trường đại học tốp trên mà thường chọn trường có điểm chuẩn ở mức trung bình hoặc chọn học cao đẳng, trung cấp nghề… Do đó, khả năng cạnh tranh gay gắt vào đại học do thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội tăng mạnh là không đáng kể”, ThS Sơn phân tích.

TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng, tỷ lệ 63% thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội không làm cho tính cạnh tranh vào đại học trở nên gay gắt. Ở chiều ngược lại, với thí sinh lựa chọn tổ hợp xét tuyển thuộc bài thi Khoa học tự nhiên, tỷ lệ “chọi” cũng không hẳn “dễ thở” hơn.

TS Nhân dẫn số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT về lĩnh vực tuyển được nhiều thí sinh vào đại học nhất những năm gần đây và cho biết, khối ngành Kỹ thuật có xu hướng giảm. Ngoài ra, các ngành thuộc nhóm Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống, Toán và thống kê, Môi trường… (sử dụng chủ yếu tổ hợp xét tuyển ở bài thi Khoa học tự nhiên) cũng thuộc nhóm những ngành tuyển sinh “kén” thí sinh nhất.

Trong khi đó, lĩnh vực “hot” nhất, được nhiều thí sinh lựa chọn nhất hiện nay là Kinh doanh và quản lý thường sử dụng tổ hợp xét tuyển có các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh… “Do đó, thí sinh có thể yên tâm với lựa chọn bài thi của mình trong việc xét tuyển đại học. Điều quan trọng lúc này là các em chuẩn bị ôn thi để đạt kết quả tốt trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đồng thời có phương án lựa chọn trường, ngành học tốt nhất”, TS Nhân khuyên thí sinh.

ThS Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tài chính – Marketing đưa ra một lý do khác để khẳng định, tỷ lệ trên không ảnh hưởng đến việc xét tuyển vào đại học. Đó là, dù đưa ra nhiều tổ hợp xét tuyển, song nhà trường sử dụng điểm chuẩn chung cho tất cả tổ hợp. Do đó, thí sinh có thể lựa chọn các tổ hợp phù hợp với năng lực, sở trường để tăng khả năng đỗ đại học.