Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sạch còn thấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/7, Bộ NN&PTNT tổ chức giao ban trực tuyến với các địa phương về chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đến hết năm 2013, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 82,5% nhưng mới có 38,7% hộ dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Dự kiến đến hết năm 2014, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sạch mới đạt 42%, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh là 62,5%, tỷ lệ trạm y tế có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 96%, tỷ lệ trường học có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 90%.

 
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến về chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến về chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nhận định, mặc dù đã đạt được nhiều thành tích, kết quả nhưng Chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là tỷ lệ trường học có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia còn thấp, có khả năng khó đạt mục tiêu của chương trình vào năm 2015. Mức độ tiếp cận của người dân vẫn còn sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền trong đó người dân vùng miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên có tỷ lệ tiếp cận thấp hơn so với trung bình toàn quốc. Đáng nói là tính bền vững của công trình cấp nước và vệ sinh ở nhiều nơi còn hạn chế, làm giảm tác dụng của chương trình, gây dư luận và bức xúc trong xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận sự nỗ lực của bộ, ngành liên quan và địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn. Phó Thủ tướng yêu cầu, thời gian tới, các bộ, ngành liên quan và địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về sử dụng nước sạch và bảo vệ môi trường. Tiếp đến, rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách phù hợp với tình hình phát triển thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư, kể cả cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư cho vùng sâu, xa, vùng khó khăn. Căn cứ vào quy hoạch, từng địa phương lập dựng kêu gọi đầu tư thông qua các hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, kêu gọi doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng, vận hành, kinh doanh nước sạch nông thôn... để hoàn thành mục tiêu Chính phủ đề ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần