Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ lệ mắc lao tại Việt Nam giảm 3,8%/năm

Văn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/3, Bộ Y tế, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức sự kiện Hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống lao 24/3.

Tới tham dự có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cùng khoảng 500 đại biểu đại diện cho Văn phòng Chính phủ, cùng các Bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư, UBND, Sở Y tế,...

 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu (Ảnh minh họa)

Hiện nay, bệnh lao vẫn là một trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Mỗi ngày, khoảng 4.500 người tử vong vì căn bệnh trên và có đến gần 30.000 người nhiễm bệnh.

Việt Nam đang nằm trong top 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó có 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa, tức là phải tiêu tốn hơn 20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc lao; 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.

Bên cạnh đó, theo số liệu của WHO, trong năm 2017, Việt Nam có 124.000 người mắc lao mới. Chương trình Chống lao Quốc gia phát hiện khoảng 100.000 người mắc lao, còn lại hơn 20.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng. Ước tính, năm 2017 có 12.000 người chết do lao – con số cao hơn rất nhiều so với số người chết vì tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi châm dứt căn bệnh này. Trong 10 năm qua, dựa trên 2 lần nghiên cứu điều tra toàn quốc và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8% một năm.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tốc độ giảm bệnh lao đã nhanh hơn nhiều lần.

Bên cạnh đó, đến nay Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán, điều trị với kết quả cao, đã xây dựng được một hệ thống mạng lưới mạng từ trung ương đến địa phương. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhận định đây là một kết quả rất đáng mừng nếu so sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo WHO, Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao. Việt Nam đã hội tụ gần đủ các yếu tố để chấn dứt bệnh lao vào năm 2030.

 Bệnh nhân lao được khám và điều trị tại bệnh viện

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, chương trình chống lao hiện nay vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là việc duy trì sự bền vững cho tất cả những điều kiện thuận lợi hiện nay, những thành quả đã đạt được cho đến năm 2030. Bên cạnh đó, chương trình cũng gặp thách thức về sự vào cuộc và hưởng ứng của cả cộng đồng, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ cả phía người bệnh và các thầy thuốc trong xã hội.

Để Việt Nam sớm hoàn thành sứ mệnh phòng, chống lao, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, những đặc điểm của bệnh lao không chỉ cần cả ngành y tế vào cuộc, mà còn cần tới sự chung tay của cả hệ thống, cả cộng đồng, để khi người phát hiện bệnh lao không bị kỳ thị, xa lánh, được làm việc, chữa trị thật tốt.

“Dù chúng ta làm tốt rồi nhưng chúng ta vẫn phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền vận động trong toàn xã hội, rằng bệnh lao tuy lây nhiễm nhưng không đáng sợ, bệnh lao thậm chí không còn là một thứ bệnh nan y khó chữa nữa. Chúng ta vẫn phải tiếp tục ủng hộ các cơ chế tài chính, ứng dụng các công nghệ mới, phép thử mới, chương trình chữa bệnh mới, vận động tất cả mọi người trong xã hội chung tay để phòng, chống bệnh lao” – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Tại sự kiện, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ đức Đam chính thức phát động hưởng ứng Ngày thế giưới phòng, chống lao năm 2019 và giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược và Chương trình hành động Quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030.