Chồn hương (hay còn gọi là cầy hương) có tên khoa học Viverricula indica. Được tìm thấy trong khu vực Đông Nam Á (bao gồm cả quần đảo Indonesia), Ấn Độ, miền nam Trung Quốc. Chúng là các sinh vật sống trên mặt đất và chủ yếu sinh sống trong các khu vực rậm cỏ hay cây bụi thấp như nương rẫy ven suối.
Hiện nay tại Việt Nam, loài cầy hương đã được con người thuần hóa và chăn nuôi bởi giá trị kinh tế cao mà nó mang lại. Trong môi trường tự nhiên và thuần nuôi, chồn hương trưởng thành có thân dài khoảng 55–75 cm, cân nặng khoảng 2–4 kg.
Giống chồn “đặc biệt"
Đến TP Bạc Liêu, hỏi ông thầy Thuyết bán chồn giống nổi tiếng, người dân sẽ chỉ ngay đến Thạc sỹ Nguyễn Văn Thuyết, giáo viên Trường Trung học Bạc Liêu ở 79 Phạm Ngọc Thạch khóm 10 phường 1.
Tại Việt Nam, chồn hương đã được cấp phép lai tạo và nuôi đại trà. Do có giá trị kinh tế lớn (vài triệu đồng/kg), nên nghề nuôi chồn hương đã mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người nông dân. Do đây là loài động vật vẫn còn mang tập tính hoang dã, thịt ngon thơm và có giá trị dinh dưỡng cao nên luôn được thị trường trong và ngoài nước đón nhận.
Tuy nhiên, để nuôi thành công chồn từ còn nhỏ đến lúc trưởng thành xuất chuồng và trở thành thực phẩm đặc sản mang lại giá trị kinh tế là một quá trình kéo dài hàng năm, người nông dân rất tốn công chăm sóc. Nhiều năm nay trong nuôi chuồng và trong tự nhiên, chồn hương chỉ đạt trọng lượng tối đa từ 2-4kg. Chưa kể, chúng rất khó nuôi, dễ bị hao hụt, do vậy lợi nhuận kinh tế người nuôi còn bấp bênh chưa cao.
Nắm bắt nhu cầu thị trường cần con giống tốt, to khỏe để người dân có lợi, sau nhiều năm mày mò nghiên cứu thử nghiệm, anh Thuyết đã tạo ra giống chồn hương “đặc biệt” cho người nông dân. Đó là con giống tốt khỏe, khi nuôi trưởng thành có thể đạt gấp đôi đến 6-8kg, thậm chí nhiều con đạt đến 9,5kg nhưng chất lượng vẫn không hề thay đổi.
“Cách đây mấy năm, thấy nhu cầu chồn giống trong nước tăng mạnh, nên đã chịu khó đi lùng tìm những con chồn to nhất, khỏe nhất từ khắp nơi trên cả nước, thậm chí sang Cam phu chia mua về. Chọn nhiều cặp lai phối tạo giống, đến lứa F1 - F2 - F3 vẫn theo nguyên tắc lựa con giống thật to khỏe để lai tạo. Vậy là giống chồn to con khỏe mạnh đã ra đời sau nhiều năm mày mò” – chỉ tay vào đàn giống hơn 100 con đang sinh sản , anh Thuyết kể.
Bao tiêu đầu vào lẫn đầu ra
“Mới hồi tháng 7/2023, có ông khách là Việt kiều Mỹ ở Ninh Bình, thuê xe vào tận nhà mang theo 100.000 USD tiền mặt để mua 200 con chồn giống về xây dựng trại nuôi ở quê. Tui phát hoảng, phải nhờ người đi đổi ra tiền Việt, vì sao giao dịch được bằng ngoại tệ” – anh Thuyết cười nói.
Hiện nay, thị trường cung cấp con giống của anh hầu hết ở các tỉnh thành cả nước. Số ít thì có người mua vài cặp để nuôi thử, số vừa thì một vài chục con anh gửi xe khách đến tận nhà. Nhiều thì vài trăm con như vị khách Việt kiều nói trên thì không phải hiếm.
Cái quan trọng nhất là chữ tín, chồn giống anh cung cấp trên đường vận chuyển (kể cả ship hay nhận tại chỗ) anh đều đảm bảo, nếu hao hụt thì anh sẽ chịu trách nhiệm. Nhưng quan trọng, mỗi con chồn đều có “lý lịch” riêng và sổ theo dõi quản lý lâm sản của cơ quan chức năng. Chính vì thế, ngày càng có nhiều người tìm đến cơ sở của anh để mua con giống.
Đối với đầu ra, anh cam kết với người mua là khi chồn nuôi trưởng thành, anh sẽ là người bao tiêu mua các sản phẩm, với điều kiện: “chồn giống đó do chỗ anh cung cấp.”
Anh kể, có lần một người khác ở Sóc Trăng đã năn nỉ anh mua chồn thành phẩm, nói rằng chồn đã mua giống từ chỗ anh. Anh đã kiên quyết từ chối, vì mở “lý lịch” và sổ quản lý lâm sản ra kiểm tra, số chồn đó không phải của cơ sở anh cung cấp.
Anh Nguyễn Hữu Lam, nhà ở Định Bình TP Cà Mau cho biết, cách đây hơn 1 năm, anh có mua chỗ thầy Thuyết 10 con chồn gồm 2 đực 8 cái, đến nay đàn chồn đã tăng lên hơn 20 con nữa, tất cả đều to khỏe và đều đạt trọng lượng từ 6-8 kg/con, nhiều con đang trong giai đoạn chuẩn bị xuất chuồng, bắt đầu có lãi.
Từng là “tỉ phú rắn mối”
Nhiều người quen ở địa phương thường gọi anh Thuyết bằng cái tên trìu mến “thầy Thuyết sinh thái.” Do anh rất đam mê nghiên cứu về động vật tự nhiên, thậm chí từng đổi đời làm giàu nhờ đam mê đó.
Cách đây hơn chục năm, trang trại nuôi hàng chục ngàn con rắn mối của tỉ phú Thuyết khiến nhiều người phải ngả mũ bái phục. Lúc đó, do lương giáo viên thấp, không đủ trang trải chi phí gia đình nên anh tranh thủ thời gian nhàn rỗi, những buổi không đến lớp làm thêm nghề tay trái để tăng thu nhập. “Ban đầu tôi nuôi dê lấy thịt, sau đó nuôi nhím rồi chuyển sang nuôi chim bìm bịp để bán chim giống. Tuy nhiên, các vật nuôi trên chi phí cao và rủi ro cao, đặc biệt không hiệu quả kinh tế nên bỏ nghề” – anh kể.
Năm 2008, tình cờ bắt được 2 con rắn mối đem về nuôi để ngắm chơi. Không ngờ, 10 ngày sau một con rắn mối đẻ cả con. Thấy dễ nuôi và qua tìm hiểu thông tin trên mạng, sách báo được biết rắn mối là món ăn rất bổ dưỡng, trị được các bệnh hen suyễn, khò khè ở trẻ em nên anh đánh liều đầu tư “chơi lớn.” Mặc gia đình ngăn cản, anh vẫn quyết rút hết tiền tiết kiệm hàng chục triệu đồng để xây dựng trang trại nuôi rắn mối ở Giá Rai. Nói cho “oai” chứ thực chất trang trại lúc đó chỉ như chuồng heo nhỏ, diện tích khoảng 20m2, xung quanh xây bốn bức tường có chiều cao khoảng 1 m, nền tráng xi măng, cùng một ít gạch ống cho rắn ở. Nguồn giống thì tự sưu tầm, từ nhờ đám trẻ con trong xóm tìm bắt trong thiên nhiên về thả nuôi. Thời gian đầu chỉ nuôi dỗ cho rắn mối sinh sản, đến khi lượng rắn bố mẹ được nhân lên hàng ngàn con thì bắt đầu nuôi thương phẩm để xuất bán.” Sau gần 5 năm nuôi rắn mối, trang trại lớn dần, mỗi năm anh bán rắn thương phẩm và rắn bố mẹ làm giống, thu về khoảng 1 tỉ đồng. Có tiền, anh Thuyết mở rộng đầu tư, mua thêm đất, xây dựng thêm trang trại nuôi rắn mối. “Trang trại chồn giống của hiện tại là tiền có nguồn gốc từ 2 con rắn mối đó” – anh Thuyết kể.
“Sản xuất cung cấp giống chồn hương tốt cho người nuôi khắp nơi của anh Thuyết đang tạo thu nhập lớn cho cá nhân anh và công ăn việc làm cho một số lao động địa phương. Đây là một mô hình sản xuất làm giàu từ ý tưởng sáng tạo, kinh nghiệm và đam mê, đang được địa phương chia sẻ nhân rộng” - ông Hông Văn Vẹn, Chủ tịch UBND phường 1 TP Bạc Liêu cho biết.