KTĐT - Từ ngày 1/12/2009, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sẽ có hiệu lực thi hành. Nghị định lần này quy định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư về việc bố trí vốn, vấn đề điều chỉnh dự án và bổ sung thẩm quyền cho địa phương cũng được quy định cụ thể trong Nghị định.
Người quyết định đầu tư phải bố trí đủ vốn theo tiến độ dự án.
Nghị định quy định rõ trách nhiệm bố trí vốn của người quyết định đầu tư. Theo đó, phải bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện dự án, nhưng không quá 3 năm đối với dự án nhóm C, không quá 5 năm đối với dự án nhóm B.
Đồng thời, người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định dự án trước khi phê duyệt. Và đơn vị đầu mối thẩm định dự án có trách nhiệm gửi hồ sơ dự án để lấy ý kiến của cơ quan quản lý ngành, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và các cơ quan liên quan đến dự án để thẩm định dự án.
Trong thời gian không quá 45 ngày làm việc đối với dự án quan trọng quốc gia, 20 ngày đối với dự án nhóm A, 15 ngày đối với dự án nhóm B và 10 ngày đối với dự án nhóm C, các cơ quan liên quan phải xem xét hồ sơ dự án. Quá thời hạn nêu trên, nếu không có ý kiến thì được coi như đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về lĩnh vực quản lý của mình.
Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước kể cả các dự án thành phần, Nhà nước quản lý toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng từ việc xác định chủ trương đầu tư, lập dự án, quyết định đầu tư, lập thiết kế, dự toán, lựa chọn nhà thầu, thi công xây dựng đến khi nghiệm thu, bàn giao và đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Khác với Nghị định 12/2009/NĐ-CP, Nghị định sửa đổi quy định, khi có một trong 3 trường hợp: bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa hoặc sự kiện bất khả kháng khác; xuất hiện các yếu tố đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án hoặc khi quy hoạch xây dựng thay đổi trực tiếp ảnh hưởng đến địa điểm, quy mô, mục tiêu của dự án, chỉ những dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên mới được điều chỉnh dự án.
UBND cấp tỉnh được tổ chức cấp giấy phép xây dựng
Nghị định quy định rõ, ngoài các công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp I, công trình tôn giáo, di tích lịch sử - văn hóa, tượng đài..., UBND cấp tỉnh được bổ sung thẩm quyền tổ chức cấp GPXD đối với các công trình xây dựng cấp II.
Nghị định sửa đổi cũng giải thích rõ hơn các công trình công cộng có quy mô lớn, có yêu cầu kiến trúc đặc thù phải được người quyết định đầu tư quyết định lựa chọn hình thức thi tuyển hoặc tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình.
Cụ thể gồm: các công trình công cộng có quy mô cấp I, cấp đặc biệt; công trình mang tính biểu tượng, công trình điểm nhấn, công trình được xây dựng tại vị trí có ảnh hưởng trực tiếp đến diện mạo, cảnh quan kiến trúc đô thị, cửa khẩu quốc tế, trung tâm phát thanh truyền hình, ga hàng không; công trình có yêu cầu kiến trúc trang trọng, thể hiện quyền lực như trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước, trung tâm hành chính - chính trị cấp tỉnh trở lên...