Theo sắc lệnh, các biện pháp trừng phạt áp dụng đối với giới lãnh đạo cao nhất của Nga như Tổng thống Putin, Thủ tướng Mikhail Mishustin, Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu…
Ukraine cũng đưa hơn một nửa số trường đại học Nga và người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học vào danh sách trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt gồm phong tỏa tài sản, hạn chế hoạt động thương mại và ngăn chặn việc rút tài sản khỏi Ukraine... và được áp dụng vô thời hạn. Sắc lệnh có hiệu lực kể từ ngày công bố.
Các nhà phân tích cho rằng, việc Tổng thống Zelensky ký sắc lệnh áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Tổng thống Putin và giới lãnh đạo Nga chứng tỏ Kiev "chưa sẵn sàng nhượng bộ". Điều này cũng sẽ làm phức tạp khả năng nối lại đàm phán với Nga.
Cùng ngày, phát biểu trước một nhóm doanh nhân trẻ ở Moscow, Tổng thống Nga Putin đã chỉ ra hậu quả kinh tế của các lệnh trừng phạt chống Nga đối với chính các quốc gia đã áp đặt.
"Họ hạn chế xuất khẩu phân bón của Nga, nhưng giá cả của họ tăng cao hơn nhiều so với ở Nga. Họ tìm cách hạn chế xuất khẩu năng lượng của chúng ta, giá của họ cũng tăng cao. Họ cố gắng đổ lỗi cho tôi vì lạm phát, nhưng thực tế là chúng ta hoàn toàn không liên quan gì đến điều đó" - ông Putin tuyên bố.
Tổng thống Putin đã nhiều lần nhấn mạnh, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine không liên quan gì đến thảm họa kinh tế của phương Tây. Chính các lệnh cấm vận chống lại Nga do Mỹ và đồng minh áp đặt đã làm gián đoạn việc cung cấp dầu khí, phân bón và thậm chí cả ngũ cốc tới phương Tây.
"Đây là hậu quả của những sai lầm mà chính họ đã mắc phải, và giờ họ đang cố gắng che đậy một điểm nào đó bằng cách đổ lỗi mọi thứ cho Nga" - Tổng thống Putin nói hôm 9/6.