Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thị trường khởi sắc sau tiến triển mới trong đàm phán Mỹ - Trung

Kinhtedothi - Tin tức về "tiến triển đáng kể" trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) cuối tuần qua đã thổi một làn gió lạc quan vào thị trường tài chính toàn cầu.

Tín hiệu tích cực từ Geneva

Trong tuyên bố được đưa ra hôm 11/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vui mừng thông báo nước này và Trung Quốc “đã đạt được tiến triển đáng kể trong các cuộc đàm phán thương mại rất quan trọng”, đồng thời gửi lời cảm ơn tới nước chủ nhà Thụy Sỹ đã tạo điều kiện cho cả hai bên.

Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, người cũng tham gia đàm phán, đồng tình với nhận định của ông Bessent, khi cho biết đây là “hai ngày làm việc rất mang tính xây dựng”. “Chúng tôi tin tưởng rằng thỏa thuận với các đối tác Trung Quốc sẽ giúp chúng tôi tiến gần hơn đến việc giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia,” ông Greer nói thêm.

Về phía Trung Quốc, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong đánh giá các cuộc đàm phán là “thẳng thắn và mang tính xây dựng”, và cho biết hai bên đã đồng ý thành lập một “cơ chế tham vấn thương mại” mới.

“Đây là bước tiến quan trọng trong việc giải quyết bất đồng thông qua đối thoại bình đẳng và tham vấn," Phó Thủ tướng Hà Lập Phong phát biểu, theo Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN). “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với phía Mỹ để quản lý khác biệt, mở rộng danh sách hợp tác và làm cho chiếc bánh hợp tác ngày càng lớn hơn,” ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (trái) và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer phát biểu trước báo giới sau cuộc đàm phán thương mại với phái đoàn Trung Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 11/5. Ảnh: Martial Trezzini/EPA

Dù chi tiết các cuộc đàm phán vẫn chưa được công bố, những bình luận tích cực trên đã làm dấy lên hy vọng rằng các mức thuế quan khắc nghiệt, hiện ở mức 145% của Mỹ và 125% của Trung Quốc, có thể được điều chỉnh xuống, mở ra cơ hội cho một mối quan hệ thương mại ổn định hơn. Các nhà đầu tư, vốn dĩ lo lắng trước những biến động dữ dội từ cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, giờ đây đang đón nhận những tín hiệu hòa giải với sự phấn khởi. 

Phản ứng của thị trường không để các nhà đầu tư phải chờ đợi. Vào tối 11/5 (giờ Mỹ), hợp đồng tương lai Dow Jones Industrial Average tăng hơn 400 điểm, tương đương 1%, trong khi các chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt nhích lên 1,3% và 1,6%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng nhích lên 4,4%, cho thấy niềm tin vào triển vọng kinh tế đang được củng cố.

Các thị trường châu Á cũng hòa nhịp với đà tăng trưởng trên. Trong sáng 12/5 (giờ Việt Nam), Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận ngày tăng thứ 8 liên tiếp, trong khi cổ phiếu tại Thâm Quyến (Trung Quốc) và Nhật Bản cũng khởi sắc với mức tăng khoảng 1%. Đồng nhân dân tệ và các đồng tiền nhạy cảm với kinh tế Trung Quốc như đô la Australia mạnh lên, trong khi giá vàng giảm 2% khi nhu cầu trú ẩn an toàn suy yếu. 

Hy vọng xen lẫn thận trọng

Sự lạc quan này không phải ngẫu nhiên. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, leo thang từ đầu tháng 4 khi Tổng thống Donald Trump áp thuế 145% lên hàng hóa Trung Quốc, đã gây ra những cơn địa chấn trên thị trường tài chính. Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế 125%, đẩy thương mại song phương vào nguy cơ đình trệ. Các nhà kinh tế cảnh báo nếu không được kiểm soát, những rào cản thương mại này có thể làm giảm 7% GDP toàn cầu trong dài hạn.

Tại Mỹ, lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm hơn 50% kể từ khi thuế quan có hiệu lực, trong khi các doanh nghiệp từ Ford đến Mattel phải rút lại dự báo lợi nhuận do áp lực chi phí. Ở châu Á, Nhật Bản đã cắt giảm hơn một nửa dự báo tăng trưởng kinh tế, còn xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm tới 21% trong tháng 4.

ĐỌC NGÂY: Đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc diễn biến tích cực

Giữa bối cảnh bất ổn đó, những tín hiệu tích cực từ Geneva khiến giới đầu tư có thể thờ phào nhẹ nhõm, dù nhiều nhà phân tích cho rằng một thỏa thuận toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể đạt được ngay lập tức. Eric Kuby, Giám đốc đầu tư tại Công ty tư vấn tài chính North Star Investment Management (Quản lý đầu tư North Star), nhận định đây là bước đi đúng hướng, thể hiện sự cam kết của cả hai bên trong việc xây dựng mối quan hệ thương mại mang tính xây dựng. Tương tự, Dan Ives - Tổng giám đốc công ty dịch vụ tài chính tư nhân Wedbush Securities, mô tả các cuộc đàm phán là kịch bản tốt nhất, đặt nền móng cho một thỏa thuận lớn hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, thị trường vẫn giữ một sự thận trọng nhất định. Gennadiy Goldberg - Tổng giám đốc kiêm trưởng phòng Chiến lược lãi suất tại thị trường Mỹ của ngân hàng đầu tư TD Securities - cảnh báo mức độ lạc quan hiện tại phụ thuộc vào các chi tiết sẽ được công bố trong ngày 12/5. Nếu thỏa thuận không đáp ứng kỳ vọng, thị trường có thể đối mặt với sự thất vọng.

Thực tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gợi ý giảm thuế xuống 80%, trong khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick ám chỉ mức thuế tối thiểu 10% cho các đối tác thương mại. Những tuyên bố này, dù tạo hy vọng, vẫn chưa đủ để xóa tan hoàn toàn bất ổn. Chỉ số biến động Cboe, thước đo tâm lý lo lắng của nhà đầu tư, dù giảm từ mức đỉnh 52,33 hồi đầu tháng 4, vẫn ở mức 22, cao hơn mức trung bình trong dài hạn.

Dù vậy, không thể phủ nhận tiến triển mới đây trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã mang lại một liều thuốc tinh thần cho thị trường. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng, với sự hạ nhiệt trong căng thẳng thương mại, áp lực lạm phát và nguy cơ suy thoái toàn cầu có thể được giảm bớt. 

Trung Quốc, Mỹ và cuộc đối thoại thương mại đầy thử thách tại Geneva

Trung Quốc, Mỹ và cuộc đối thoại thương mại đầy thử thách tại Geneva

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tiết lộ những yếu tố giúp Hồng y Prevost trở thành Giáo hoàng Leo XIV

Tiết lộ những yếu tố giúp Hồng y Prevost trở thành Giáo hoàng Leo XIV

12 May, 07:14 AM

Kinhtedothi - Với bối cảnh hoạt động trải dài từ Bắc và Nam Mỹ, kinh nghiệm quản lý tại Vatican và phong cách lãnh đạo ôn hòa, Hồng y Robert Francis Prevost đã nhận được sự ủng hộ áp đảo của các hồng y, trở thành Giáo hoàng Leo XIV trong lần bỏ phiếu thứ tư tại Nhà nguyện Sistine.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ