Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ùn tắc giao thông kéo dài do tai nạn: Lãng phí hàng nghìn tỷ đồng

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), nhiều tuyến đường tại Hà Nội thường rơi vào cảnh ùn tắc kéo dài, gây lãng phí thời gian, tiền của xã hội. Điều đáng nói, hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng nào về trách nhiệm của các bên liên quan trong những tình huống đó.

 Cảnh sát giao thông điều tiết giảm ùn tắc do một vụ tai nạn gây ra tại đường cao tốc trên cao. Ảnh: Công Hùng
Loay hoay với tình huống khẩn cấp
Khoảng 10 giờ sáng 17/6, ô tô đầu kéo BKS: 34C - 158.45, trên hướng lưu thông đi Gia Lâm bị mất lái, đâm vào dải phân cách giữa cầu Thanh Trì. Chiếc xe kéo theo rơ moóc xoay ngang, chắn hết 3/4 mặt đường cầu Thanh Trì khiến giao thông tê liệt trong gần 2 tiếng đồng hồ. Đại diện Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, ngay khi nhận được thông tin, Đội đã cử 9 chiến sỹ ra phân luồng, hướng dẫn giao thông, nhưng do tai nạn xảy ra trên cầu, không có lối thoát nào khác nên không thể tránh khỏi gây ùn tắc.

Đại diện Đội CSGT số 14 cho biết thêm, do chiếc xe thuộc loại siêu trường, siêu trọng, đơn vị lại không có phương tiện, trang thiết bị cẩu kéo phù hợp nên buộc phải yêu cầu lái xe tìm kiếm cứu hộ giao thông bên ngoài. “Việc thỏa thuận giá cả cẩu kéo xe giữa lái xe và đơn vị cứu hộ mất khá nhiều thời gian, bên cạnh đó còn phải chờ CSGT quận Hoàng Mai đến đo vẽ hiện trường nên không thể nhanh chóng giải tỏa giao thông trên tuyến” - vị này lý giải.

Thực tế, Hà Nội thường xuyên xảy ra những vụ việc như nêu trên. Nhiều tuyến đường như tuyến đường Vành đai 3 trên cao; cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì… hay thậm chí là những tuyến đường phố nội thành cũng rơi vào tình huống tương tự. Khi xảy ra TNGT, các lực lượng chức năng thường ứng phó rất bị động, thời gian giải tỏa kéo dài, dẫn đến UTGT nghiêm trọng. Một điều đáng nói nữa là, hệ lụy từ những tình huống UTGT như trên vẫn chưa được quy trách nhiệm rõ ràng cho ai.

Thiếu lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng đặt vấn đề: “Thực tế là có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, kéo theo UTGT xuất phát từ lỗi chủ quan của người lái xe. Người dân khi phải "chôn chân" chờ đợi trong những vụ việc như vậy phải chịu thiệt hại không nhỏ về thời gian, mà thời gian là tiền bạc. Thiệt hại đó ai sẽ bồi thường cho người dân?”.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích thêm, ngoài nguyên nhân chủ quan từ người lái xe, việc UTGT kéo dài trong các vụ tai nạn còn có phần trách nhiệm của lực lượng chức năng. “Hà Nội chưa có một lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp nên rất bị động trong các tình huống khẩn cấp. Khi tai nạn xảy ra, phân luồng là một lực lượng, đo vẽ hiện trạng lại là đơn vị khác, cẩu kéo phương tiện, giải tỏa ách tắc lại là đơn vị khác nữa. Nên muốn nhanh cũng không nhanh được” - ông Thắng nhìn nhận.

Theo các chuyên gia, cần phải có những quy định rõ ràng cho những tình huống ùn tắc kéo dài do TNGT. Nếu vụ việc xảy ra do lỗi chủ quan từ phía người lái xe, ngoài các trách nhiệm liên quan đến tai nạn, còn phải có mức xử phạt thật nặng với lỗi gây ùn tắc, cản trở giao thông để răn đe, cảnh tỉnh người lái xe có trách nhiệm hơn khi cầm vô lăng. Mặt khác, Hà Nội cũng cần sớm thành lập Trung tâm Cứu hộ giao thông chuyên nghiệp với đầy đủ các trang thiết bị, nhân lực, nhằm đáp ứng xử lý mọi tình huống rủi ro; nhanh chóng giải tỏa UTGT, nhất là trên các tuyến huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn.

Theo ước tính, UTGT đang lãng phí của Hà Nội khoảng 12.800 tỷ đồng mỗi năm, trong đó có phần không nhỏ từ các vụ ùn tắc đột ngột nhưng kéo dài do TNGT. Các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng nên sớm xây dựng các chế tài mạnh, quy rõ trách nhiệm và thậm chí là buộc các bên liên quan phải bồi thường khoảng thời gian lãng phí do ùn tắc giao thông cho người dân. Như vậy mới tạo thêm động lực nâng cao ý thức tự giác khi tham gia giao thông của cả người dân, cũng như biện pháp giải tỏa ùn tắc của các lực lượng chức năng, góp phần đảm bảo trật tự, ATGT, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội.