Đường Hà Nội chưa quá tải?
Đề án chống ùn tắc giao thông trên đường Láng, đoạn từ Cầu Giấy đến ngã tư Nguyễn Chí Thanh, dài 2km, có 3 nút giao cắt cùng mức với đường dẫn vào 3 cầu nhỏ bắc qua sông Tô Lịch, đó là cầu Yên Hòa, cầu Cót và cầu 361. Hệ thống cầu và đường dọc theo đường Láng được xây dựng trước năm 2000 với khổ cầu hẹp và mặt cắt ngang đường 6 - 6,5m. Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã cử một nhóm kỹ sư trực tiếp đứng phân làn phương tiện và khảo sát tại các nút giao và có sự hỗ trợ, hướng dẫn của Đội CSGT số 3. Theo thống kê ùn tắc diễn ra trên tuyến đường Láng vào giờ cao điểm từ 17 giờ đến 18 giờ 30 hàng ngày, đỉnh điểm diễn ra từ 17 giờ 30 đến 18 giờ 15, trầm trọng nhất tại nút cầu 361. Có những hôm ùn tắc diễn ra cả đoạn đường dài 200m và kéo dài 15 - 30 phút. Khảo sát cũng cho thấy, có hơn 80% xe máy, 12% ôtô, 4% xe đạp, 2% xe buýt đi trên tuyến này.
Theo Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ GTVT Doãn Minh Tâm, lưu lượng phương tiện trên đường Láng không lớn song do mặt cắt đường nhỏ, 3 nút giao không có đèn. Do vậy, nguyên nhân chính gây ùn tắc là xung đột dòng xe, các phương tiện tự do đi qua nút giao thiếu kiểm soát và hướng dẫn giao thông. Ngoài ra còn do cầu hẹp, xe buýt quay đầu ngay tại nút. Ông Tâm cho rằng, nhiều người cho là đường quá tải song tôi cho rằng đường Hà Nội nói chung chưa quá tải. Do đó, cần cải tạo 3 nút giao như mở rộng nút giao tại đầu cầu để tăng diện tích cho phương tiện rẽ vào cầu, mở dải phân cách cho xe quay đầu để tránh quay đầu tại nút, tăng biển báo...
Ngoài ra, Viện cũng đề nghị triển khai tổ chức giao thông tiếp tục trên các nút giao phức tạp khác như nút Nam Hồng (đường Bắc Thăng Long - Nội Bài), nút Cầu Giấy và các nút dọc đường Kim Mã - Mai Dịch, dọc tuyến Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng.
Nhiều nút giao lưu lượng phương tiện vượt 6 lần thiết kế
Đánh giá cao nỗ lực của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, song lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, nghiên cứu trên đường Láng của Viện chưa sát với tình hình giao thông của Hà Nội. Ông Nguyễn Xuân Tân cho biết, từ Vành đai 3 vào nội đô có 240 nút giao trọng điểm, chưa kể các nút ít xảy ra UTGT, trong đó có 140 nút giao có đèn tín hiệu giao thông. Đặc biệt, vào giờ cao điểm có rất nhiều nút giao thông lưu lượng phương tiện cao gấp 6 lần công suất thiết kế, như nút giao Cầu Giấy, có khoảng 10.288 xe lưu thông trong một giờ, giờ cao điểm lên tới 30.000 xe, cao gấp 4,5 lần so với khả năng của nút.
Tuyến đường được chọn làm thí điểm chưa phức tạp, chưa phải là điển hình đặc trưng của đường Hà Nội - đó là nhận định của ông Phạm Hữu Nam, Giám đốc Ban QLDA Duy tu GTĐT. Theo ông Nam, các nút giao trên đường Láng ùn tắc cũng do hạ tầng thực tế yếu kém. Nếu mở rộng diện tích các nút thì phương tiện vẫn bị ách tắc trên các cây cầu qua sông bởi mặt cắt chỉ 3 - 4m. Hiện TP đã giao cho Sở GTVT lập dự án xây dựng các cầu mới thay thế cầu cũ bắc qua sông Tô Lịch, đồng thời với việc hoàn thành đường bờ phải sông , khi hoàn thành, UTGT trên đường Láng sẽ được giải quyết.
Ông Nguyễn Xuân Tân cho biết, Sở sẽ tiến hành cải tạo hạ tầng của các nút giao trên đường Láng theo đề xuất của Viện Khoa học và GTVT. Ngoài ra, đề nghị Viện tiếp tục khảo sát, nghiên cứu tổ chức giao thông tại một số nút giao thông trọng điểm mà trước mắt là nút Cầu Giấy, đây là một nút giao trọng điểm, có lưu lượng phương tiện qua lại lớn.
Đề nghị Viện nghiên cứu, tổ chức lại giao thông giúp TP, tuy nhiên việc nghiên cứu phải phù hợp với thực tiễn và có tính dài hơi không nên nghiên cứu trong phạm vi hẹp sẽ không có tác dụng chống UTGT cho cả khu vực. Bởi giao thông Hà Nội hiện không khác gì quả bóng bóp chỗ này sẽ phình ra ở chỗ khác". Ông Nguyễn Xuân Tân Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội |