Ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp: Nhiều rào cản, khó nhân rộng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc ứng dụng cơ giới hóa (CGH) là yêu cầu cần thiết để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung quy mô lớn, giảm bớt sức lao động của người dân.

Việc ứng dụng cơ giới hóa (CGH) là yêu cầu cần thiết để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung quy mô lớn, giảm bớt sức lao động của người dân. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình này không hề đơn giản do nhiều vướng mắc từ thực tiễn.

Vướng mắc đủ đường

Một trong những khâu quan trọng được đẩy mạnh ứng dụng CGH trong những năm vừa qua là khâu cấy với việc ra đời của máy cấy bằng mạ khay. Hiện nay, một máy cấy lúa 4 hàng cỡ trung bình đạt công suất cấy 0,8 – 1ha/ngày (làm 8 tiếng), tương đương 25 – 30 nhân công. Tuy nhiên, trên thực tế, việc ứng dụng máy cấy cũng còn không ít băn khoăn. Bà Đào Thị Vinh, xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ chia sẻ, tuy mô hình này được nông dân đón nhận nhưng khó khăn hiện nay là thiếu đội ngũ cán bộ bảo dưỡng, sửa chữa, phụ thuộc vào công ty phân phối máy nên khó nhân rộng.
Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng
Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng
Theo UBND huyện Phúc Thọ, hiện nay trên địa bàn huyện có 500 máy làm đất, tỷ lệ CGH trong khâu làm đất đạt 100%. Tuy nhiên, tỷ lệ CGH trong khâu cấy mới đạt gần 10% và khâu thu hoạch đạt 40 - 45%. Do áp dụng máy móc, chi phí sản xuất giảm đáng kể, nhất là khâu cấy cho hiệu quả kinh tế tăng 6 – 7 triệu đồng/ha. Nhằm đẩy mạnh ứng dụng CGH vào sản xuất, UBND TP đã có Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND, trong đó hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng trong thời hạn 3 năm cho các cá nhân, tổ chức mua máy móc nông nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của huyện Phúc Thọ, giá thành máy cấy khá cao nên số lượng máy cấy của các xã mua được còn ít dẫn tới việc mở rộng diện tích cấy mạ khay bị hạn chế.

Tại huyện Ba Vì, theo ông Nguyễn Đình Dần – Phó Chủ tịch UBND huyện - khó khăn lớn nhất trong việc đưa CGH vào sản xuất là địa hình đồi gò, không bằng phẳng. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa được gần 5.400ha, đạt hơn 70% diện tích cấy lúa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho CGH. Tuy nhiên khó khăn lại nảy sinh khi trên thị trường có quá nhiều loại máy móc, máy rẻ tiền thì nhanh hỏng trong khi người dân ít vốn, khó có điều kiện mua máy trị giá vài trăm triệu đồng. Thêm vào đó, thủ tục vay vốn ngân hàng để mua máy móc CGH còn rườm rà, phức tạp.

Hình thành các đầu mối dịch vụ

Theo đánh giá của các địa phương, tại nhiều nơi, ruộng đất còn manh mún do nông dân không thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, khó áp dụng CGH khâu cấy lúa. Hơn nữa, một số nông dân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào tiến bộ kỹ thuật mới nên không mạnh dạn tham gia ứng dụng CGH. Trong khi đó, vai trò làm dịch vụ của các HTX nông nghiệp chưa được phát huy, nhất là đứng ra đảm nhiệm những khâu dịch vụ làm đất, làm mạ, cấy máy. Do đó, để đẩy mạnh ứng dụng CGH vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP, ngoài việc tháo gỡ cơ chế chính sách hỗ trợ, việc hình thành các tổ, HTX dịch vụ CGH có vai trò rất quan trọng.

Đơn cử như tại Ba Vì, việc xây dựng các mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012 đang được UBND huyện chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu kiện toàn xong trước ngày 30/6. Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Vì, HTX Nông nghiệp Phú Phương đã đứng ra đảm nhiệm các khâu dịch vụ CGH cho người nông dân như làm đất, phun thuốc trừ sâu, một phần gieo cấy, gặt… Tại huyện Ứng Hòa, ông Nguyễn Chí Viễn – Phó Chủ tịch UBND huyện cũng cho biết, nhằm xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa cùng gieo cấy một giống trên một cánh đồng, huyện đã chỉ đạo xây dựng 2 HTX điển hình là HTX Quảng Phú Cầu và HTX Minh Đức. Hai HTX này đứng ra làm các khâu CGH đồng bộ cho người dân, từ đó nhân rộng ra toàn huyện.

Rõ ràng, việc thành lập các tổ hợp tác, HTX đứng ra làm ký kết hợp đồng với nông dân thực hiện đưa CGH vào sản xuất mới là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Để làm tốt được việc này, cùng với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động nông dân đăng ký với HTX thực hiện khâu làm đất, cấy, gặt, đẩy nhanh tiến độ đưa đồng bộ các khâu CGH vào sản xuất.