Ứng dụng công nghệ để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều năm đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng…, tình trạng ùn tắc, TNGT tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn là một vấn đề nhức nhối ở Thủ đô Hà Nội.

Khi những biện pháp nâng cao ý thức người dân chưa thực sự hiệu quả, để giảm thiểu ùn tắc rất cần có biện pháp đột phá về mặt kỹ thuật.

Phần mềm cảnh báo ùn tắc trên điện thoại

Hiện nay, có rất nhiều tuyến đường của Hà Nội thường xuyên ở trong tình trạng quá tải trầm trọng mà chưa có hướng giải quyết hiệu quả, đơn giản vì không thể mở rộng đường thêm trong khi lượng phương tiện lưu thông ngày một tăng. Chỉ cần một chiếc ô tô dừng, đỗ là lập tức đoạn đường đó bị ùn, thậm chí bị tắc. Trong khi đó, do nhu cầu công việc, dòng người vẫn bắt buộc phải lưu thông qua đoạn đường này, và thế là ùn tắc xảy ra. Một trong những cách hạn chế ùn tắc đang được áp dụng gần đây là báo trước để người tham gia giao thông không đi vào những đoạn đường ùn tắc. Chương trình giao thông trên sóng phát thanh VOV đang làm là rất tốt, góp phần hạn chế ùn tắc, nhưng tác động đó vẫn chưa nhiều. Cần thiết phải có thêm các công cụ hỗ trợ người tham gia giao thông để hạn chế ùn tắc.
Kênh VOV giao thông đã góp phần không nhỏ cho các lái xe khi tham gia giao thông.  	Ảnh:  Thanh Hải
Kênh VOV giao thông đã góp phần không nhỏ cho các lái xe khi tham gia giao thông. Ảnh: Thanh Hải
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin (CNTT), trong đó ứng dụng trên điện thoại thông minh đang dần trở thành người bạn thân thiết của con người. Thời buổi nhiều người có điện thoại thông minh, tại sao lại không phát triển một ứng dụng điện thoại có khả năng thu thập, xử lý thông tin và cảnh báo chủ phương tiện về những cung đường đang xảy ra ùn tắc? Ứng dụng điện thoại đó hoạt động dựa vào thông tin của chính những người tham gia giao thông, và có thể cập nhật tin tức, thông báo cho người đi đường biết trước về các đoạn đường đang xảy ra tắc, cũng như những đoạn đường nào đã bớt ùn tắc. Dựa vào đó, người tham gia giao thông có thể chủ động chọn đường khác để đi, tiết kiệm được thời gian của mình.

Ứng dụng công nghệ hạn chế tai nạn

Cũng như trên, việc sử dụng CNTT để hạn chế TNGT là việc rất nên làm. Vấn đề là hiện chưa có một tổ chức nào thực sự tâm huyết để có thể triển khai các dự án tầm cỡ như vậy. Khi tham gia giao thông, chúng ta vẫn gặp những tấm biển báo đoạn đường thường xảy ra tai nạn, nhưng những tai nạn đó do đâu mà có? Chính ở sự chủ quan của người cầm lái đã dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Bởi vậy cần thiết phải có công nghệ cao để giám sát hành động của những người coi thường tính mạng đó. Công nghệ             camera giám sát kết hợp với quản lý các phương tiện giao thông qua mạng internet có thể là cách giải quyết vấn đề này.

Hiện nay, mới chỉ có một số ô tô có camera hành trình. Thử tưởng tượng nếu tất cả các loại xe có thiết bị này, và tất cả đều có thể quản lý thì TNGT sẽ giảm đi đáng kể. Đơn giản vì khi có camera hành trình, ta có thể xem lại cung đường, lịch trình mỗi khi có sự việc xảy ra, vì thế các chủ phương tiện cần đi cẩn thận hơn để tránh gây tai nạn cho mình và người khác. Quan trọng nhất, nếu có một ngân hàng thông tin về hành trình của các phương tiện, sẽ là công cụ đắc lực để lực lượng chức năng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Người tham gia giao thông đóng góp thông tin về hành trình của mình vào hệ thống đó sẽ là tự bảo vệ cho chính mình và cho cả người khác.

Vấn đề chính ở đây là kinh phí để thực hiện ý tưởng này rất lớn, vì thế rất cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Cần có sự vào cuộc của các DN vận tải và cả những người dân tin tưởng vào tương lai của an toàn giao thông, có mong muốn hạn chế tình trạng ùn tắc và TNGT. Có thể chia ra các lộ trình để thực hiện ý tưởng dài hơi này. Ban đầu sẽ "phủ sóng"  camera cho toàn bộ ô tô, sau đó sẽ là xe máy. Hiện nay, giá cả của một chiếc camera hành trình không còn quá đắt nên hoàn toàn có thể thực hiện được ý tưởng này trong tương lai, trong vòng 5 - 10 năm tới, khi công nghệ đã trở nên phổ biến hơn. Có thể có người sẽ cho rằng ý tưởng này khó thực hiện, nhưng hãy thử nghĩ về chiếc điện thoại thông minh phổ biến như thế nào hiện nay khi 5 năm trước nó chỉ dành cho người khá giả?

Trong thời đại con người ngày càng phụ thuộc vào CNTT thì chúng ta cũng nên ứng dụng những tiện ích của CNTT giúp giải quyết những "căn bệnh" trầm kha của xã hội. Với ùn tắc và TNGT, rất cần những người tâm huyết nghiên cứu, triển khai để phát triển tiện ích CNTT giúp nguy cơ trên đường được giải quyết triệt để.