Ứng dụng công nghệ robot và tự động hóa hiện đã phổ biến trên thế giới và mang lại những hiệu quả lớn đối với nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là sự phát triển của các doanh nghiệp.
Việc đưa robot vào ứng dụng trong doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm có thể giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất. Không chỉ các nhà khoa học, các nhà quản lý nhận thức được mà doanh nghiệp cũng đang cho thấy họ có nhu cầu rất lớn với robot, đặc biệt là robot công nghiệp.
Ứng dụng công nghệ robot tại Việt Nam có vô vàn cơ hội và tiềm năng. Nhưng Việt Nam cần thu hút được tiềm lực, kết nối được tài năng trong và ngoài nước bởi đây là mỏ vàng đang ẩn nấp. Tiềm lực của hàng chục triệu người Việt Nam đang chờ được khai phá, một khi đã khai phá được thì ứng dụng vào Việt Nam rất nhanh.
Các doanh nghiệp Việt đang đứng trước những thách thức rất lớn giữa nhu cầu và khả năng ứng dụng Công nghệ robot và cơ điện tử trong quá trình sản xuất. Để giải quyết những thách thức này, cần sự chung tay giữa nhà khoa học và chuyên gia công nghệ.
Nhu cầu lớn nhưng chưa đủ tiềm lực
Phát biểu tại Hội thảo “Công nghệ Robotics - Mechatronics trong cách mạng công nghiệp 4.0: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam” vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Robotics - Mechatronics (tạm dịch là công nghệ robot - Cơ điện tử) có thể được xem là một trong những trụ cột của nền công nghiệp 4.0 với những nhà máy thông minh và doanh nghiệp được chuyển đổi số hóa toàn diện, cũng như nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống.
Trong năm 2018, theo kết quả điều tra, nghiên cứu của Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam đối với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), số lượng các doanh nghiệp của Việt Nam quan tâm đầu tư, ứng dụng những công nghệ mới, đặc biệt công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0 vào trong quá trình sản xuất còn rất khiêm tốn.
Mặc dù hiện nay các doanh nghiệp có nhu cầu lớn, nhưng chưa có đủ tiềm lực và định hướng chiến lược trong quá trình đầu tư này. Với trên 97% các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, nên gặp nhiều khó khăn thách thức về nguồn vốn, trình độ khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và năng lực đổi mới sáng tạo còn rất thấp. Mối liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức khoa học và công nghệ còn hạn chế, chưa hiệu quả.
“Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn giữa nhu cầu và khả năng ứng dụng Công nghệ robot & Cơ điện tử trong quá trình sản xuất”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nói.
Đồng quan điểm trên, TS. Hoàng Việt Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp cho hay, trên thực tế, doanh nghiệp muốn tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, có thêm nhiều robot để phục vụ sản xuất đang còn gặp rất nhiều khó khăn với hàng loạt các bài toán đặt ra về nhân sự, vốn đầu tư cho hệ thống công nghệ, trình độ kỹ thuật tại các cơ sở còn thiếu đồng bộ từ sản xuất đến kho bãi…
Tăng cường liên kết
Để đáp ứng được nhu cầu trên, các chuyên gia khẳng định, tăng cường liên kết giữa các nhà khoa học nước ngoài với các trường đại học, viện khoa học trong nước sẽ là giải pháp căn cơ để thúc đẩy hơn nữa việc phát triển công nghệ robotics và Mechatronics (Công nghệ robot - Cơ điện tử) vào nhiều ngành nghề tại Việt Nam.
PGS.TS Hồ Anh Văn - Trường Khoa học vật liệu JAIST (Nhật Bản) cho rằng, rất nhiều ngành nghề có thểứng dụng công nghệ robot, không chỉ trong sản xuất công nghiệp. Robot mềm có thể ứng dụng trong nông nghiệp (hái quả, chăm sóc cây trồng), y tế (phẫu thuật, chăm sóc người già)… Hiện ứng dụng robot ở Việt Nam chưa có nhiều.
"Chúng tôi đang có những chương trình hợp tác với các nhà nghiên cứu ở Việt Nam để sản xuất thử nghiệm những sản phẩm công nghệ mới. Chúng tôi hy vọng, công nghệ robot có thể được ứng dụng rộng rãi hơn ở Việt Nam trong thời gian tới. Để phổ biến ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ robot vào đời sống xã hội cần có sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó, mạng lưới liên kết giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, giữa cơ quan nhà nước với các trí thức khoa học, giữa doanh nghiệp với khoa học… cần phải được tổ chức xây dựng một cách bài bản, có chiều sâu”, PGS.TS Hồ Anh Văn cho biết.
TS. Việt Hồng cho rằng, cần có sự liên kết chặt hơn nữa giữa các chuyên gia nước ngoài với trong nước để đưa công nghệ mới, tự động hóa vào trong quá trình sản xuất của Việt Nam. Các hoạt động thúc đẩy nghiên cứu, đầu tư cũng cần được chú trọng.
Còn theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, để mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các trường đại học, các nhà khoa học cần sớm có những hành động, đề tài, dự án cụ thể, thiết thực để cùng phối hợp triển khai thực hiện, làm cơ sở hình thành các mạng lưới liên kết trong lĩnh vực Robotics & Mechatronics.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ đồng hành cùng Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ “thu hút các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế, chuyên gia là người Việt Nam tại nước ngoài làm nòng cốt thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ”, được quy định tại Quyết định số 754/QĐ-TTg ngày 31/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.