Ứng dụng công nghệ trong tiết kiệm năng lượng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp

Bình An - Kim Dung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, tiêu thụ năng lượng trong quá trình sản xuất đang được các doanh nghiệp quan tâm, nhất là ứng dụng trong công nghệ tiết kiệm năng lượng sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trước xu thế hội nhập của sâu rộng của kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới.

Đa số các đại biểu tham dự Hội thảo “Công nghệ mới trong tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường” diễn ra ngày 28/2 tại TP Hồ Chí Minh cho rằng: Lâu nay khái niệm hiệu suất đối với doanh nghiệp chưa được hiểu và chưa được tận dụng hết mức, nếu mỗi doanh nghiệp hiểu rõ hiệu suất là cái thể hiện bằng tỷ lệ % của đầu vào và đầu ra. Do cái trừ đi hao hụt trong đầu vào là đầu ra lên hiệu suất là cái giống như tỷ lệ % của đầu ra (Đầu ra = Đầu vào + Hao hụt), khi giá trị kết quả sử dụng năng lượng đạt được lớn hơn năng lượng được sử dụng thì có thể nói rằng hiệu suất được cải tiến. Do đó, ứng dụng công nghệ trong tiết kiệm năng lượng sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ): “Doanh nghiệp cần đặt quyết tâm và nỗ lực về mặt công nghệ trong quản lý để tiết kiệm năng lượng khi lập kế hoạch sản xuất. Cần đặt ra mục tiêu giảm chi phí năng lượng một cách chính xác cùng với kế hoạch kinh doanh đã đề ra. Từ đó, sẽ giảm được chi phí đầu vào trong sản xuất và mở ra cơ hội cạnh tranh cho doanh nghiệp”.

“Ứng dụng công nghệ trong tiết kiệm năng lượng không chỉ tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp mà còn hạn chế xả thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường” - Ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

Có cùng quan điểm, ông Phạm Văn Tấn - Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN& PTNT) cho biết: “Doanh nghiệp cần khuyến khích tất cả lao động ở mọi vị trí ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp cũng như tìm kiếm công nghệ giảm thiểu”.

“Tiêu chí tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp cần được xây dựng rõ ràng và xác định đó không chỉ là công việc của riêng bộ phận quản lý năng lượng. Hàng ngày cần cung cấp thông tin về năng lượng đến từng lao động, từng bộ phận sản xuất, và khuyến khích tìm kiếm công nghệ tiết kiệm năng lượng qua hệ thống quản lý năng lượng của doanh nghiệp sẽ phát huy được hiệu quả trong sản xuất và cạnh tranh cho doanh nghiệp” - Ông Phạm Văn Tấn, nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Vương Đức Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Công thương) khẳng định: “Đối với doanh nghiệp, việc tăng chi phí năng lượng sẽ dẫn đến tăng giá vốn sản xuất, do đó áp lực giảm thiểu chi phí năng lượng nhằm tăng khả năng cạnh tranh về giá vốn sẽ liên tục tăng. Trong sản xuất, thì doanh nghiệp vừa và nhỏ có tỷ lệ chi phí năng lượng cao hơn so với doanh nghiệp lớn, điều đó cần phải thay đổi cách quản lý năng lượng, không để rời rạc và riêng rẽ với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.

“Nếu quản lý năng lượng tiêu thụ một cách rời rạc và riêng rẽ thì sẽ khó thấy được hiệu quả tiết kiệm, để giảm năng lượng một cách tổng thể cần phải đưa vào sử dụng hệ thống quản lý năng lượng phù hợp với tình hình và mức độ tổ chức của doanh nghiệp. Từ đó, hạch toán được chi phí sản xuất, doanh nghiệp sẽ biết lỗ hay lãi khi hạch toán sản xuất kinh doanh” - Ông Vương Đức Tuấn cho biết thêm.

“Doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn vốn ít nên cần bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên môn làm công việc tiết kiệm năng lượng để nâng cao tiêu chuẩn quản lý và đổi mới quy trình thực hiện toàn bộ công việc của quá trình sản xuất. Thực hiện được điều đó sẽ nâng cao giá trị sản xuất, hạ giá thành và tăng khả năng cạnh tranh một cách bền vững” - Ông Lê Thanh Việt - GĐ Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Kiên Giang chia sẻ.

Cùng với tiết kiệm năng lượng trong sản xuất của doanh nghiệp, các đại biểu thảo dự Hội thảo cũng nhấn mạnh cần phải đưa nghành công nghiệp môi trường tại Việt Nam phát triển, bởi hiện nay ngành công nghiệp môi trường của Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn đầu của sự phát triển. Tổng lượng sản xuất công nghiệp trong tỷ trọng GDP vẫn còn thấp, không chỉ trong nước mà còn thấp hơn so với mức trung bình của thế giới. Dẫn đến, quy mô công nghiệp môi trường Việt Nam tiêu chuẩn vẫn còn rất thấp, nguồn vốn hoặc còn thấp hoặc thiếu.

Việc ứng dụng công nghệ trong tiết kiệm năng lượng không chỉ tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường cần được tất cả doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần