Ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp: Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/11, tại huyện Hoài Đức, Sở KH&CN Hà Nội tổ chức diễn đàn ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, ông Lê Xuân Rao - Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là cơ chế đặt hàng phải được thực hiện tốt hơn nữa.Ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp: Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng - Ảnh 1

Nhiều ý kiến cho rằng, mối liên kết “4 nhà” trong nghiên cứu, chuyển giao KHCN lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn còn rời rạc?

- Liên kết “4 nhà” là một mô hình hay nhưng số lượng các đề tài, dự án trong nông nghiệp có tham gia của “4 nhà” trên địa bàn TP hiện vẫn chưa nhiều. Thực trạng này có nguyên nhân do công tác tuyên truyền còn những hạn chế nhất định, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này, bà con nông dân cũng thiếu thông tin. Nhiều nghiên cứu KHCN thành công, tạo ra các giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt nhưng chưa được ứng dụng rộng rãi do thiếu vốn. Muốn có vốn tập trung, phải có mô hình DN nông nghiệp thì mới có khả năng đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Chính vì vậy, thời gian tới cần đẩy mạnh liên kết “4 nhà”, trong đó nhà quản lý đặt đầu bài, nhà khoa học nghiên cứu, còn DN, HTX và nông dân triển khai vào thực tiễn sản xuất.

Hiện nay, Hà Nội đã triển khai cơ chế đặt hàng nghiên cứu KHCN như thế nào trong lĩnh vực nông nghiệp, thưa ông?

- Trước đây, đa số nhà khoa học chỉ làm những gì mình có kinh nghiệm, chưa bám sát nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, muốn nghiên cứu khoa học đi vào thực tế thì phải qua cơ chế đặt hàng. Hiện nay, việc đặt hàng nghiên cứu trong nông nghiệp cũng đã xuất hiện ở một số huyện. Trong đó, HTX tổng hợp nhu cầu của nông dân, nếu dự án lớn phải qua cấp huyện quản lý. Vài năm qua, tỷ lệ đặt hàng nghiên cứu KHCN trong nông nghiệp của TP đã được nâng lên, tuy nhiên vẫn còn phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Có như vậy mới nâng cao được trách nhiệm của cả cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị nghiên cứu.

Ứng dụng công nghệ cao được coi là chìa khóa thành công của ngành nông nghiệp trong tương lai. Theo ông, trong việc ứng dụng công nghệ cao, Hà Nội cần tập trung vào sản phẩm gì và giải pháp ra sao?

- Khi gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng ASEAN (AC), thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, được kiểm soát theo chuỗi từ nuôi trồng tới thu hoạch, chế biến. Đối với Hà Nội, nông nghiệp công nghệ cao còn phải giải quyết mục tiêu tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, bởi diện tích đất nông nghiệp của TP đang bị thu hẹp dần. Do đó, giải pháp ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội cần tập trung vào ứng dụng kỹ thuật nhà kính, công nghệ đèn LED điều khiển sinh trưởng cho cây trồng… Các sản phẩm chủ lực của chúng ta có thể đẩy mạnh là lan hồ điệp, rau, cây ăn quả và một số sản phẩm chăn nuôi. Hiện nay, TP cũng đã có quy hoạch cụ thể các vùng sản xuất và có chính sách mời gọi DN tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tín hiệu vui là một số DN lớn như VinGroup cũng đang mạnh dạn đầu tư mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hy vọng rằng, với sự vào cuộc đồng bộ của Sở KH&CN, Sở NN&PTNT, các nhà khoa học, Hà Nội có thể phát huy tốt lợi thế về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Xin cảm ơn ông!