Ứng dụng mạ khay, cấy máy: Hiệu quả vẫn khó nhân rộng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ứng dụng mạ khay, cấy máy mang lại nhiều lợi ích khi giúp nông dân giải phóng sức lao động, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, để nâng tỷ lệ diện tích gieo cấy lúa áp dụng phương thức này đòi hỏi TP, ngành nông nghiệp có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Đó là nội dung quan trọng được nêu tại Hội nghị Đánh giá kết quả mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy quy mô tập trung vụ Xuân 2022 do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức tại xã Liên Hà (huyện Đông Anh) ngày 7/6.

Mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy với giống lúa TBR225 tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh. Ảnh: Ánh Ngọc
Mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy với giống lúa TBR225 tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh. Ảnh: Ánh Ngọc

Nhiều mô hình triển khai có hiệu quả

Những năm gần đây, cùng với tích cực đưa các giống lúa mới vừa có năng suất cao, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, đưa cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Nhờ vậy, trên địa bàn TP đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, quy mô tập trung, góp phần tăng hiệu quả trong sản xuất lúa, nâng cao đời sống cho người nông dân.

Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Văn Hà cho biết, chỉ tính tiêng giai đoạn 2019 - 2021, Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng 22 điểm mô hình Sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy đạt 1.570 ha/2 vụ. Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình Ứng dụng mạ khay, cấy máy quy mô tập trung tại 7 xã của 4 huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất và Đông Anh; với quy mô: 270ha (vụ Xuân 140ha, vụ Mùa 130ha). Các giống lúa mới tham gia mô hình, gồm: TBR225 có gen kháng bạc lá, BC15 có gen kháng đạo ôn, Bắc thơm số 7 có gen bạc lá và Nếp 97.

Tham gia mô hình, các hộ nông dân được hỗ trợ chi phí mạ khay, máy cấy, phân bón, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình được tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất mạ khay phục vụ máy cấy, kỹ thuật chăm sóc lúa cấy bằng máy cấy. Thực hiện mô hình mạ khay, cấy máy rất thuận tiện cho việc chăm sóc; lúa ít bị sâu bệnh.

Hiệu quả nhất phải kể đến mô hình tại xã Liên Hà (huyện Đông Anh), thực hiện áp dụng mạ khay cấy máy trên giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá, năng suất đạt 74,5 tạ/ha, cho hiệu quả kinh tế cao đạt hơn so với phương pháp cấy truyền thống 16,4 triệu đồng/ha.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp và Kinh doanh tổng hợp Liên Hà Nguyễn Văn Long chia sẻ, địa phương xây dựng thành công cánh đồng lớn với diện tích gần hơn 200ha, liên kết với DN tiêu thụ lúa tươi. Cùng với đó, việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa đã giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, đặc biệt là khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động như hiện nay. Nhờ vậy mà Liên Hà vừa phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, song 100% diện tích đất nông nghiệp vẫn được áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; trong đó nhiều mô hình lúa hàng hóa chất lượng cao làm điểm của TP.

Cần thêm cơ chế hỗ trợ

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa của Hà Nội hiện nay gặp không ít khó khăn, hiện tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa chỉ đạt 3% tổng diện tích. Trong khi lực lượng lao động chính trong nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành nghề khác như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nên vào thời vụ gieo cấy lúa thường thiếu hụt lực lượng lao động, giá thuê nhân công cao. Đó cũng là nguyên nhân khiến hiệu quả sản xuất lúa còn thấp, nhiều nơi nông dân không mặn mà với nghề trồng lúa, bỏ ruộng hoang.

Để mở rộng diện tích ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đề nghị UBND TP, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục quan tâm hỗ trợ giống, vật tư, máy cấy, dây truyền gieo mạ khay để khuyến khích mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy. Cùng với đó, hỗ trợ hình thành mỗi huyện từ 1 – 2 trung tâm sản xuất mạ khay là điểm tham quan học tập cho các địa phương lân cận.

Đặc biệt là, TP cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân mua máy và tăng mức hỗ trợ để khuyến khích người dân mua máy có công suất lớn; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức thực hiện cho các HTX nông nghiệp trong thời gian đầu cũng như tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp vay vốn để mua máy không phải thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về phía các địa phương, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đề nghị UBND các huyện chỉ đạo UBND các xã tạo điều kiện bố trí mặt bằng cho các HTX nông nghiệp phát triển mạ khay. Bên cạnh chính sách của TP, các huyện nên có cơ chế, chính sách riêng nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần