Thu nhập cao từ trang trại
Xã Hòa Lâm là một trong những vùng chiêm trũng nhất của huyện Ứng Hòa, cấy lúa thường bị ngập úng, hiệu quả không cao. Từ năm 2003, UBND xã đã có chủ trương dồn điền đổi thửa, quy hoạch các mô hình trang trại tập trung, chủ yếu là nuôi trồng thủy sản. Đến nay, khu vực chuyển đổi của xã Hòa Lâm đã có hàng chục trang trại chăn nuôi lợn, vịt, thả cá, trồng cây ăn quả... cho thu nhập cao.
Ngoài xã Hòa Lâm, phong trào làm kinh tế trang trại cũng phát triển khá mạnh mẽ ở nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ trang trại, trở thành những mô hình điểm cho hội viên nông dân tham quan, học tập. Đơn cử như trang trại sản xuất giống lợn, gà, cá của anh Lê Văn Uyên, thôn Quàng Xá, xã Hòa Phú cho doanh thu trên 1 tỷ đồng, đồng thời tạo công ăn việc làm cho 8 lao động. Hay trang trại tổng hợp gồm chăn nuôi lợn, gà, vịt đẻ và trồng cam Canh, bưởi Diễn của chị Nguyễn Thị Thuyết, thôn Cao Lãm, xã Cao Thành cho thu nhập đạt từ 230 - 250 triệu đồng/năm.
Theo UBND huyện Ứng Hòa, toàn huyện hiện có 76 trang trại theo tiêu chí mới, trong đó có 35 trang trại chăn nuôi, 26 trang trại nuôi trồng thủy sản, 14 trang trại tổng hợp và 1 trang trại trồng trọt. Ngoài ra, các mô hình sản xuất đa canh lúa – cá – vịt kết hợp chăn nuôi lợn có hơn 70 hộ sản xuất với diện tích 54,03ha. Theo thống kê, thu nhập bình quân của các trang trại ước đạt 1,3 tỷ đồng/năm, trong đó nuôi trồng thủy sản đạt 2,1 tỷ đồng/trang trại/năm, chăn nuôi lợn, gà đạt 1,5 tỷ đồng/trang trại/năm.
Hỗ trợ mạnh mẽ cho nông dân
Ông Nguyễn Văn Xuyên - Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa cho biết, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, huyện đã nhận được sự quan tâm của thành phố trong đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất như giao thông, thủy lợi. Trên cơ sở đó, huyện đã tích cực chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và có các cơ chế hỗ trợ sản xuất, thực hiện tốt công tác khuyến nông, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa. Hàng năm, huyện dành từ 6 - 8% ngân sách để hỗ trợ trực tiếp phát triển sản xuất nông nghiệp.
Nhờ đó đến nay, trên địa bàn huyện Ứng Hòa đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo quy mô tập trung, hiệu quả cao. Đối với lĩnh vực trồng trọt, đã hình thành vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao với diện tích hơn 1.000ha, cho thu nhập tăng từ 15 – 20% so với sản xuất lúa thông thường. Trong đó có 6 xã sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 100ha trở lên với tổng diện tích 800ha được hưởng chính sách hỗ trợ của thành phố. Chăn nuôi tập trung xa khu dân cư cũng phát triển mạnh mẽ ở các xã Vạn Thái – Tảo Dương Văn với diện tích trên 100ha và một số xã vùng trũng. Về thủy sản, đến nay, huyện đã triển khai dự án nuôi trồng thủy sản tập trung ở các xã Trung Tú - Đồng Tân với diện tích 232ha; Hòa Lâm - Phương Tú diện tích 68ha...
Tuy nhiên, phong trào phát triển kinh tế chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn huyện Ứng Hòa vẫn còn một số khó khăn do giá cả thị trường bấp bênh, đầu ra của sản phẩm thiếu ổn định nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất. Theo ông Xuyên, cần phải xây dựng mối liên kết vững chắc giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Huyện Ứng Hòa kiến nghị, thành phố có cơ chế, chính sách tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch cho nông dân và tiếp tục hỗ trợ việc nghiên cứu, chọn tạo những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phục vụ sản xuất.
Thu hoạch cá tại xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Quang Thiện
|