70 năm giải phóng Thủ đô

Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố - dốc một lòng mở mang văn hóa

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố là nhà trí thức nổi tiếng ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Ông là đại biểu xuất sắc thuộc thế hệ chuyển tiếp từ Nho học sang Tây học, có sứ mệnh văn hóa to lớn trong bối cảnh đất nước còn bị thực dân đô hộ.

Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946, hàng đầu, từ trái sáng phải: Cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh tư liệu
Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946, hàng đầu, từ trái sáng phải: Cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh tư liệu

Quan niệm về sự học

Nguyễn Văn Tố, bút hiệu Ứng Hòe, sinh ngày 5/6/1889, tại làng Đông Thành, huyện Thọ Xương, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán. Sau đó, ông sang Pháp học và tốt nghiệp bằng Thành chung. Ông không tiếp tục học lên mà trở về nước.

Năm 1905, 16 tuổi, Nguyễn Văn Tố đỗ đầu cuộc thi ngạch Phán sự - Thông dịch do Tòa Thống sứ Bắc Kỳ tổ chức. Sau đó, ông chính thức vào làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) của Pháp tại Hà Nội khi mới 17 tuổi.

Từ tháng 3/1907, Nguyễn Văn Tố tham gia giảng sách tại Hội Trí tri bằng tiếng Pháp và tiếng Việt về các đề tài lịch sử, địa lý, văn học, y khoa, khoa học thủy nông. Vào những năm 1910, từ khi rất trẻ, ông đã trở thành một học giả nổi tiếng, được cử là Trưởng ban Biên tập Tập san Trí Tri. Ngày 16/3/1930, Nguyễn Văn Tố được bổ nhiệm là Viên chức Hàn lâm của EFEO. Năm 1933, ông được Giám đốc EFEO bổ nhiệm trợ lý hạng 3. Năm 1934, ông được cử làm Hội trưởng Hội Trí tri; năm 1938, được cử là Hội trưởng Hội truyền bá chữ Quốc ngữ. Năm 1941, ông tham gia sáng lập Tạp chí Tri Tân.

Nguyễn Văn Tố quan niệm: “Có học thì mới biết những lý tưởng làm gốc cho quốc hồn: Lý tưởng yêu nước, lý tưởng ham học, lý tưởng ăn ở theo đạo đức”. Ông đã kiên trì con đường tự học, tự tìm tòi để trang bị kiến thức. Vì vậy, cả Hán học và Tây học, mặc dù ngồi ghế nhà trường không nhiều, không có các bằng cấp cao, nhưng ông đã trở thành một trí thức danh tiếng, được xếp trong nhóm tứ kiệt “Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn” của Hà Nội lúc bấy giờ.

Ông đã tích lũy cho một khối tri thức đồ sộ từ kết hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả giữa tri thức về văn hóa Việt Nam, văn hóa phương Đông, với phương pháp nhận thức, nghiên cứu phương Tây. Từ nền tảng văn hóa phương Đông, Nguyễn Văn Tố tiếp xúc, tiếp nhận văn hóa phương Tây để trở lại nhận thức sâu sắc hơn nhằm “hiện đại hóa” nền văn hóa dân tộc, tạo ra những giá trị mới để phát triển đất nước.

Thủ lĩnh khai dân trí

Hội Trí Tri (Société d'Enseignement Mutuel du Tonkin - Bắc Kỳ Trí Tri Hội) được thành lập tại Hà Nội ngày 1/4/1892 xuất phát từ sáng kiến của một số cựu sinh viên trường Thông ngôn với mục đích cùng trau dồi ngôn ngữ và văn hóa Pháp. Sau đó, mục tiêu này dần thay đổi, hướng tới sự nghiệp "Khai dân trí, chấn dân khí, đào tạo nhân tài".

Từ sau cuộc khủng bố năm 1908, Trí Tri tiếp tục tổ chức các lớp học dành cho cả trẻ em và người lớn, thuyết trình thường xuyên và in tập san với nhiều bài viết giá trị về văn học, văn hóa Việt Nam. Mô hình Trí Tri đã được nhân rộng ở nhiều nơi trong cả nước, góp phần xóa nạn mù chữ, truyền bá kiến thức khoa học tiến bộ vào Việt Nam trong thời thuộc địa.

Nguyễn Văn Tố tham gia Hội Trí Tri từ năm 1910 và phụ trách xuất bản Tạp chí trong các năm 1920 - 1921 của Hội. Đại hội đồng thường niên ngày 12/4/1928 đã bầu Nguyễn Văn Tố làm đốc học. Từ tháng 7/1931 đến 12/1932, ông làm Chủ sự Tạp chí. Ông là hội trưởng của hội từ năm 1934 đến năm 1936.

Là hội trưởng, Nguyễn Văn Tố đã đóng vai trò quan trọng phát triển hội cả về tổ chức và các hoạt động truyền bá kiến thức khoa học hướng đến mục tiêu canh tân đất nước.

Trong phong trào Bình dân (1936 - 1939), Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương phổ biến chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ, từng bước nâng cao dân trí, và qua đó tập hợp lực lượng cách mạng. Chủ trương này được giới nhân sĩ, trí thức đồng tình và hưởng ứng. Các trí thức tân học tiêu biểu như Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu... đã tiến hành thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ và mời Nguyễn Văn Tố - nguyên Hội trưởng Hội Trí Tri, làm hội trưởng. Ông là người gửi đơn xin thành lập hội.

Mặc dù chưa có quyết định từ nhà cầm quyền nhưng ngày 25/5/1938, Nguyễn Văn Tố đã tổ chức diễn thuyết, cổ động cho việc truyền bá quốc ngữ với sự tham gia của hàng nghìn người. Ngày này đã được coi là ngày thành lập hội.

Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Văn Tố, Hội truyền bá Quôc ngữ đã góp phần khơi dậy lòng lòng yêu nước, truyền thống hiếu học của quần chúng Nhân dân, tạo thành một phong trào học tập sâu rộng trong cả nước. Hội đã thành lập được 20 chi hội ở Bắc Kỳ, 11 chi hội ở Trung Kỳ và 8 chi hội ở Nam Kỳ; số giáo viên của hội lên tới năm nghìn người.

Trong suốt bảy năm (1938 - 1945), phải đương đầu với không ít khó khăn, nhưng ông đã lãnh đạo hội hoạt động đúng mục đích, đứng vững và phát triển, tạo nên một phong trào truyền bá quốc ngữ có ảnh hưởng khắp cả nước, tác động đến mọi tầng lớp trong xã hội lúc bấy giờ. Phong trào này đã tạo ra một nền tảng quan trọng để xây dựng lực lượng cho Cách mạng tháng Tám và công cuộc “chống giặc dốt” sau đó.

Đặc biệt, có thể xem đây là bản lề chuẩn bị cho quá trình chuyển động sang một thời kỳ mới của hành trình văn hóa, giáo dục nước nhà. Xác định điều này để khẳng định vai trò và công lao to lớn của Nguyễn Văn Tố trên hành trình văn hóa, giáo dục những năm đầy biến động giữa thế kỷ XX.

Học giả uyên bác

Không chỉ xuất sắc trong vai trò lãnh đạo các tổ chức giáo dục, văn hóa tiến bộ, Nguyễn Văn Tố còn là một nhà báo xuất sắc, một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực. Ông đã sử dụng báo chí làm công cụ truyền bá kiến thức cho cộng đồng để hướng tới mục đích nâng cao dân trí. Với vốn kiến thức Đông - Tây phong phú, ông đã viết nhiều bài báo có giá trị bằng chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và phần lớn đều in trên các tạp chí Nam Phong, Tri Tân, Đông Thanh, báo Đông Dương.

Xin điểm một số bài quan trọng như: “Vấn đề về lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc”, “Đạo đức Việt và đạo đức phương Tây”, “Về vấn đề lịch sử và khảo cổ Việt - Chăm, đạo đức và tôn giáo” “Mỹ thuật nước nhà”, “Tiếng ta gốc tự tiếng nào”, “Di tích thành Đại La”; “Một đoạn Nam sử rất vẻ vang”, “Tài liệu để đính chính những bài văn cổ”, “Bia Văn Miếu: Những ông nghè triều Lê”, “Đại Nam dật sử”, “Việt Nam văn hóa sử”, “Những chuyện vẻ vang trong sử Đại Việt” , “Truyền bá quốc ngữ với nạn chống thất học”, “Cha cố Alechxandre de Rhodes và việc phiên âm ra chữ quốc ngữ”, “Nước Việt cổ trước văn hóa Pháp”, “Thanh niên đối với lễ giáo”, “Thanh niên đối với sự học”, “Nền giáo dục bình dân”…

Ngoài ra, Nguyễn Văn Tố còn có nhiều công trình nghiên cứu công phu về lịch sử, văn hóa, văn học như: “Thời tiền sử ở Bắc Kỳ”, “Những bài thơ chưa in đời Lê”, “Nguồn gốc các mái cong” , Ngôi chùa An Nam , “Tôn giáo nước Nam” , “Vết tích thành Đại La”, “Lịch sử Hồ Tây” , “Gốc tích thành Huế", “Khí giới ở các đền chùa và nghi vệ đời xưa”, “Phép quân điền của nước ta”, “Văn hóa phương Đông”, “Quan hệ lịch sử giữa Nhật Bản và Việt Nam”, “Văn hóa Đông Dương”, “Tục ngữ ta so với tục ngữ Tàu và tục ngữ Tây”, Trịnh Căn (1633 - 1709); Lê Quý Đôn (1726 - 1784); Nguyễn Khuyến (1835 - 1909)…

Ông cũng dịch thuật, giới thiệu nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, văn minh, văn hóa Tây Á - Cận Đông, Hy Lạp, Trung Hoa... Ngoài ra, ông còn sưu tầm, dịch thuật và xác lập hệ thống tư liệu, thư tịch, văn bản Hán Nôm, góp phần chuẩn bị điều kiện cho sự ra đời các bộ văn học sử và công trình nghiên cứu chuyên sâu. Các công trình nghiên cứu của Nguyễn Văn Tố không chỉ khẳng định tầm uyên bác của một học giả mà còn thể hiện rõ tấm lòng của một nhân sĩ yêu nước.

 

Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Văn Tố là Bộ trưởng Bộ cứu tế xã hội của Chính phủ lâm thời; là Đại biểu Quốc hội khóa I và được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Từ tháng 11/1946, ông là Bộ trưởng không bộ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông hy sinh ngày 25/10/1947. Ông là đại biểu xuất sắc của thế hệ trí thức được sinh thành bởi hai dòng văn hóa Đông và Tây, nỗ lực học thành tài để cống hiến hết mình vì sự nghiệp “khai dân trí” và canh tân đất nước.