Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ung thư vú có thể điều trị khỏi hoàn toàn

Phương Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm Điện Quang, BV Bạch Mai đã ứng dụng thành công kỹ thuật chụp Xquang tuyến vú phát hiện ung thư vú (UTV) sớm và kỹ thuật hút chân không loại bỏ hoàn toàn tổn thương vú.

Kỹ thuật hút chân không loại bỏ hoàn toàn tổn thương vú cho bệnh nhân. Ảnh: TTXVN
GS.TS Phạm Minh Thông - Phó Giám đốc BV cho biết, UTV là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới, với trên 1 triệu trường hợp mắc mới hàng năm. Tại Việt Nam, tỷ suất mắc bệnh theo tuổi tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ gần đây, tỷ lệ mắc mới hàng năm trên cả nước lên tới 12.533 ca, chiếm trên 20% số ca ung thư ở nữ giới.

Trước đây, hầu hết các bệnh nhân phát hiện UTV ở giai đoạn muộn, khi các triệu chứng lâm sàng đã rõ ràng, khiến tiên lượng bệnh kém. Các chuyên gia y tế khẳng định, UTV nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn. Chụp Xquang tuyến vú là phương thức cơ bản nhất trong sàng lọc, phát hiện sớm UTV, đặc biệt là loại carcinôm ống tuyến vú tại chỗ, nghĩa là chưa xâm lấn.

Cũng theo GS.TS Thông, ngoài các kỹ thuật giúp chẩn đoán bệnh lý tuyến vú, Trung tâm Điện quang đã triển khai một số kỹ thuật can thiệp tuyến vú dưới hướng dẫn của hình ảnh như: Chọc hút tế bào kim nhỏ dưới siêu âm, sinh thiết kim lõi dưới Xquang và siêu âm, sinh thiết có thiết bị hút chân không dưới hướng dẫn của siêu âm và Xquang; điều trị loại bỏ tổn thương tuyến vú bằng kỹ thuật sinh thiết có hỗ trợ hút chân không dưới hướng dẫn của siêu âm. Kỹ thuật này đã triển khai tại Trung tâm từ năm 2018, đến nay đã thực hiện được trên hơn 100 bệnh nhân. Đây là một kỹ thuật hiện đại, có nhiều ưu điểm, ít xâm hại, giảm tối đa tổn thương nhu mô lành lân cận, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.

PGS.TS.BS Phạm Cẩm Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, BV Bạch Mai cho biết, trước đây khi chưa có phương pháp sinh thiết hút chân không, bệnh nhân phải trải qua cuộc tiểu phẫu với đường rạch ở vú bằng hoặc lớn hơn kích thước khối u. Vì thế, sẹo để lại ở ngực phụ thuộc kích thước khối u, thường từ 2 - 5cm. Hiện, BV Bạch Mai đã thành lập một đội ngũ chuyên về UTV gồm bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ giải phẫu bệnh, bác sĩ ngoại khoa và bác sĩ ung bướu. Các bệnh nhân có bệnh lý tuyến vú nghi ngờ ung thư hoặc có bệnh lý vú phức tạp đều được đa chuyên khoa hội chẩn, đánh giá để đưa ra phác đồ và phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.

Theo các bác sĩ, những phụ nữ trên 40 tuổi đều có chỉ định chụp Xquang để sàng lọc UTV. Với những phụ nữ dưới 40 tuổi nhưng có nguy cơ cao (mang gen đột biến BRCA1, BRCA2, trong gia đình có người bị ung thư vú, phụ nữ béo phì, tiểu đường, không sinh con, không cho con bú) nên chụp Xquang vú sớm hơn 5 năm so với khuyến cáo.