Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ung thư vú ngày càng trẻ hóa

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam với hơn 15.000 ca mắc mỗi năm. Đáng lưu ý, độ tuổi mắc ung thư vú ngày càng trẻ hóa.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ nữ nên đi khám, sàng lọc ung thư định kỳ để phòng tránh và chữa trị kịp thời.
Loại ung thư hay gặp nhất ở phụ nữ
Chị Đ.T.T. (Văn Giang, Hưng Yên), chưa lập gia đình, đến khám tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai phát hiện ung thư vú giai đoạn 2 khi mới tuổi 29. Rất tiếc khối u lại ở vùng trung tâm, tức là ngay sau núm vú nên không thể bảo tồn được mà phải cắt toàn bộ tuyến vú.
Bác sĩ Vũ Anh Tuấn - Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, BV Bạch Mai, người trực tiếp phẫu thuật cho chị T. cho biết, sau khi phẫu thuật ổn định về, bệnh nhân sẽ bắt đầu phác đồ điều trị hóa chất. Sau một năm, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng toàn thân xem có tổn thương ung thư tái phát ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể thì sẽ có thể thực hiện phẫu thuật tái tạo hình thể vú cho bệnh nhân.
 Chụp Xquang để sàng lọc ung thư vú tại BV Bạch Mai.
Tương tự, chị Nguyễn Thúy Q. (Ứng Hòa, Hà Nội) vào khám tại BV K sau khi sờ thấy khối u vùng vú trái. Tại đây, qua thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán, chị bị ung thư vú trái giai đoạn I. Vô cùng bất ngờ với kết quả xét nghiệm bởi năm nay chị mới 30 tuổi, độ tuổi không mấy người nghĩ mình sẽ mắc phải căn bệnh này.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc BV K, ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam, tỷ lệ mắc đang tăng nhanh qua từng năm. Cụ thể, năm 2013, tỷ lệ mắc ở mức 24,4/100.000 phụ nữ, đến năm 2018 đã tăng lên tới 26,2, tương đương 15.000 ca mắc mới, trong đó có hơn 6.000 ca tử vong.
Với số liệu này, tỷ lệ mắc mới ung thư vú của Việt Nam đang xếp 146/185 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát, tỷ lệ tử vong ở mức 10,5/100.000 dân, xếp 150/185. GS Thuấn cùng nhiều chuyên gia ung bướu hàng đầu ở Việt Nam nhiều thế hệ đã tập hợp số liệu bệnh nhân ung thư vú suốt 25 năm qua cho thấy, độ tuổi mắc ung thư vú ở Việt Nam ngày càng trẻ và trẻ hơn hẳn các nước ở châu Âu hay Bắc Mỹ. Xu hướng mắc từ 30 - 34 tuổi nhiều và tăng nhanh, nhiều nhất ở nhóm 55 - 59 tuổi với tỷ lệ lên tới 135/100.000 phụ nữ.
Sàng lọc định kỳ
GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, bệnh nhân ung thư vú nếu phát hiện sớm ở giai đoạn I thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 100%. Tại BV K đã chữa trị cho nhiều trường hợp ung thư vú giai đoạn 1 - 2 khỏi bệnh trên 5 năm, sống 10 năm, 15 năm, thậm chí có những trường hợp lập gia đình, sinh con. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn đã di căn, việc điều trị sẽ không mang lại hiệu quả cao.
Cũng theo GS Thuấn, ở nhóm dưới 35 tuổi, mắc ung thư vú là điều hết sức đáng tiếc. Ngoài đối mặt với bệnh tật, nhóm này còn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề tâm lý, xã hội khác. Phương pháp hiệu quả nhất để tăng tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú, đặc biệt ở người trẻ là đi khám, phát hiện sớm bệnh.
Trước đây, hầu hết các bệnh nhân phát hiện ung thư vú ở giai đoạn muộn, hoặc ở phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, khi các triệu chứng lâm sàng đã rõ ràng, khiến tiên lượng bệnh kém. Chính vì vậy, những phụ nữ trong độ tuổi 20 không nên chủ quan mà cần có các biện pháp phòng ngừa. “Ung thư vú ngày càng trẻ hóa hiện là nỗi lo lớn của không ít phụ nữ Việt Nam. Bởi họ chưa có kiến thức về biện pháp tự khám vú tại nhà và ý thức được tầm quan trọng của việc đi khám sàng lọc ung thư vú định kỳ” - GS Thuấn nói.
Ông khuyến cáo, phụ nữ khi bước vào độ tuổi trưởng thành cần phải tự kiểm tra vú thường xuyên tại nhà. Khi thấy bất thường, có hạch ở nách, vú thì cần đến cơ sở y tế khám luôn, tránh chần chừ, kéo dài thời gian vì có thể làm cho bệnh phát triển nặng hơn.
Riêng đối với những trường hợp trong gia đình có tiền sử bố mẹ bị các ung thư như đại trực tràng, buồng trứng, phổi, cổ tử cung... thì nên tầm soát ung thư vú định kỳ. Đối với phụ nữ ở tuổi ngoài 50, trung bình nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần.