Hà Nội có 5.922 di tích và việc xây dựng nếp sống văn minh tại di tích, nơi thờ tự cũng là nội dung quan trọng trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi cộng cộng của TP Hà Nội. Hiện nay, trên địa bàn TP đã có hơn 30 mô hình “Di tích lịch sử, danh làm thắng cảnh kiểu mẫu” được triển khai, qua đó, vừa định hướng cách ứng xử văn minh của mỗi tổ chức, cá nhân khi đến với di tích; đồng thời cũng xây dựng hình ảnh di tích lịch sử, điểm dến an toàn, hấp dẫn…
Tới đền - chùa Bà Tấm (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm) nơi thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, du khách có thể cảm nhận được cảnh quan sạch đẹp ở khuôn viên di tích. Bảng, biển Quy tắc ứng xử nơi công cộng được niêm yết rõ ràng, chi tiết ở vị trí dễ nhìn, giúp khách tham quan hiểu được các quy định, hướng dẫn tại nơi thờ tự, để từ đó đi nhẹ, nói khẽ, giữ gìn trật tự, vệ sinh chung…, góp phần vào hình thành những chuẩn mực văn hóa khi đến với khu di tích, điểm văn hóa.
Để khu di tích đền – chùa Bà Tấm trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, Hội LHPN huyện Gia Lâm đã chọn nơi này để thực hiện điểm mô hình “Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu”. Theo đó, các hội viên Hội LHPN trên địa bàn thường xuyên tổ chức các buổi lao động, tổng vệ sinh, làm cỏ theo lịch phân công đến từng chi hội trong xã. Mỗi tháng 2 lần, các chi hội sẽ thay nhau thực hiện hoạt động tổng vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên khu di tích. Đồng thời, Hội LHPN xã Dương Xá cũng thực hiện việc đặt các thùng phân loại rác. Rác hữu cơ, rác vô cơ được phân loại khi thu gom, nhằm giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, tạo thêm nguồn kinh phí để mua cây xanh trang trí; đồng thời, tái chế các vỏ chai nhựa thành các giỏ hoa trang trí trên chính những thùng phân loại rác.
Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm Vũ Thị Lan Anh chia sẻ, từ năm 2023 đến nay, khudi tích đền – chùa Bà Tấm trở thành điểm đến hấp dẫn, đón tiếp hàng nghìn đoàn khách, đặc biệt là “địa chỉ đỏ” của các học sinh trên địa bàn mỗi khi tìm hiểu về lịch sử quê hương. Hiện nay, tại huyện Gia Lâm, mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn” với sự vào cuộc của Hội LHPN huyện được duy trì tại 47 di tích, cụm di tích, thực hiện mới tại 38 di tích.
Không chỉ ở huyện Gia Lâm, trên các địa bàn khác của TP, những mô hình “Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu” đã và đang tiếp tục được triển khai. Trong đó, để tiếp tục đổi mới các hình thức tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng theo chỉ đạo của TP Hà Nội, từ năm 2022, thực hiện Kế hoạch số 210-KH/UBND của UBND TP, Hội LHPN T Hà Nội đã chỉ đạo thí điểm mô hình “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại 5 khu di tích Đền – Chùa bà Tấm, Đền Gióng, Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); Đền Sóc, Tượng đài Thánh Gióng (huyện Sóc Sơn).
Tích cực hưởng ứng mô hình, nhiều đơn vị, cơ sở Hội trực thuộc đã chủ động nghiên cứu, triển khai tại địa bàn: đền Nội Bình Đà (huyện Thanh Oai); chùa Hưng Long, chùa Linh Quang (huyện Thanh Trì); chùa Hưng Phúc (huyện Hoài Đức); Chùa Đôi Hồi, đền thờ Tô Hiến Thành (huyện Đan Phượng).
Gần đây, trong tháng 11/2024, để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Hội LHPN các cấp và cán bộ, hội viên phụ nữ trong tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống, lối sống văn hóa, đồng thời tạo sự lan tỏa những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của phụ nữ đến với cộng đồng, Hội LHPN huyện Ứng Hòa đã ra mắt mô hình “Di tích lịch sử kiểu mẫu” trong tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng” tại Di tích quốc gia đền Hữu Vĩnh (Đền Đức Thánh Cả) xã Hồng Quang.
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Ứng Hòa Phạm Thúy Hòa, để khởi động mô hình “Di tích lịch sử kiểu mẫu” trong tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử, Hội LHPN huyện đã hình thành các nhóm nòng cốt tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi thờ tự tại di tích. Nhóm có nhiệm vụ tuyên truyền vận động người dân trên địa bàn huyện, xã, phật tử, khách thập phương đến cơ sở thờ tự trên địa bàn thực hiện đúng các nội dung, yêu cầu của Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn đã được UBND TP Hà Nội ban hành. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: người dân mặc đúng trang phục khi đến nơi thờ tự; không nói tục chửi bậy, không mang vàng mã vào chùa, không xả rác bừa bãi ở khuôn viên nơi thờ tự… Đồng thời tổ chức ký cam kết với 20 gia đình về thực hiện tuyên truyền và thực hành quy tắc ứng xử nơi công cộng, chung tay cùng xây dựng văn hóa ứng xử văn minh trong di tích, xây dựng và phát triển mô hình Di tích lịch sử kiểu mẫu, tiến tới nhân rộng mô hình ra nhiều khu di tích trên địa bàn toàn xã.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hà, hộ kinh doanh tại đền Hữu Vĩnh chia sẻ: “là hộ dân sinh sống trên địa bàn thôn Hữu Vĩnh từ nhiều năm nay, tôi hiểu rằng để xây dựng di tích lịch sử kiểu mẫu đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời phải có sự chung tay góp sức, sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của mỗi hộ gia đình, mỗi người dân trong thôn, du khách thập phương trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy ước cùa địa phương, của di tich. Chúng tôi thấy rằng việc triển khai mô hình này thật sự ý nghĩa”.
Trải qua lịch sử lâu đời, đình làng Nhạn Tái (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) thờ 6 vị thành hoàng đã bị xuống cấp và một số hạng mục bị hư hỏng, UBND xã Xuân Nộn đã tiến hành tu bổ đình làng Nhạn Tái để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân trên địa bàn.
Chủ tịch Hội LHPNT xã Xuân Nộn Nguyễn Thị Giang cho biết, triển khai kế hoạch của UBND Xã Xuân Nộn về thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn, Hội LHPN xã đã triển khai thực hiện mô hình điểm “Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại đình làng. Việc triển khai mô hình nhằm tạo sự thay đổi nhất định về hành vi ứng xử, diện mạo, cảnh quan khu vực di tích, đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp và thực hiện nếp sống văn minh.
Với mô hình này, chi hội phụ nữ xã thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh, làm cỏ phía trong và ngoài khuôn viên đình làng; tuyên truyền vận động 8 hộ gia đình sinh sống xung quanh khuôn viên đình làng cùng chung tay xây dựng tuyến đường quanh khuôn viên đình thành tuyến đường xanh - sạch - đẹp - nở hoa; tuyên truyền việc thực hiện quy tắc ứng xử.
Tương tự, tại đền – chùa Bà Tấm xã Dương Xá (Gia Lâm) đã triển khai một số mô hình đặt tại khu di tích như mô hình thùng rác phân loại với câu slogan viết trên thùng rác để nhắc nhở du khách; giỏ hoa tái chế từ các can nhựa đã qua sử dụng với thông điệp vì môi trường xanh. Phía ngoài cổng, Ban Quản lý di tích cho in và treo biển “Quy tắc ứng xử nơi công cộng” nhằm từng bước xây dựng và hình thành những chuẩn mực văn hóa của cá nhân khi đến tham quan hoặc kinh doanh tại khu di tích, điểm du lịch.
Tại huyện Đông Anh, Hội LHPN huyện Đông Anh đã phối hợp với Đảng ủy, chính quyền cơ sở, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa trực thuộc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Hội LHPN xã Cổ Loa thực hiện khảo sát, đánh giá tình hình, đặc trưng của di tích. Hội tập trung cho công tác vệ sinh môi trường, đầu tư trồng mới, chăm sóc 61 bồn cây xanh trên trục đường chính vào khu di tích, thiết kế, thực hiện 9 thùng rác tái chế đặt tại các điểm trung tâm của khu di tích. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh thôn, xã và đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện các quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các di tích đình, đền, chùa và các điểm di tích trên địa bàn xã; triển khai vận động, hướng dẫn và ký cam kết đến các hộ kinh doanh, các hộ gia đình đang sinh sống, bán hàng tại các khu di tích bảo đảm vệ sinh môi trường.
Để di tích lịch sử, danh thắng thật sự trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của địa phương, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp Hội LHPH, rất cần sự chung tay của các đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.
Quận Hai Bà Trừng là một trong những địa bàn đã tạo được những bước chuyển tích cực trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, gắn với mô hình “di tích lịch sử văn hóa – điểm đến an toàn, hấp dẫn”. Quận đã triển khai thực hiện “Tạo lập cơ sở dữ liệu và xây dựng hệ thống quản lý các hồ sơ di tích trên địa bàn quận để phát huy giá trị, gắn với phát triển du lịch”. Dự án thực hiện các nội dung: số hóa tài liệu, tạo lập kho dữ liệu; số hóa 3D hiện vật, không gian cảnh quan di tích; phần mềm quản lý, khai thác và chia sẻ dữ liệu; hạ tầng công nghệ thông tin lưu trữ và cài đặt phần mềm quản lý kho dữ liệu số hóa. Tổ chức giới thiệu và ra mắt Website “360 độ di tích lịch sử quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội” vào dịp chào mừng kỷ niệm 63 năm thành lập quận Hai Bà Trưng (1961 – 2024).
Đoàn Thanh niên Quận Hai Bà Trưng đã xây dựng kế hoạch để triển khai Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá di tích lịch sử quận Hai Bà Trưng giai đoạn 2021 – 2025” nhằm mã hóa dữ liệu các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn quận; phối hợp Đoàn thanh niên các trường Đại học trên địa bàn trong công tác tạo lập mã QR của các di tích. Từ năm 2021 đến nay đã triển khai thành công 26 mã QR tại 28 điểm di tích lịch sử đưa vào ứng dụng. Đây là một trong những cách làm để góp phần để du khách khi đến với di tích có thể hiểu thêm vì lịch sử nơi đây, phát huy giá trị của di tích. Đồng thời, cũng thúc đẩy công tác quản lý, để các điểm di tích trở thành những điểm đến của lịch sử văn hóa, ý nghĩa và hấp dẫn.
Cùng với đó, tại một số địa bàn khác, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đã được thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Tại huyện Đông Anh, Chủ tịch LHPN huyện Đông Anh Đỗ Thị Mỹ Linh chia sẻ, thời gian tới, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các Chi hội Phụ nữ cơ sở có khu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử khảo sát, báo cáo cấp ủy, chính quyền và phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội lựa chọn xây dựng ít nhất 1 công trình - phần việc thiết thực tại mỗi cơ sở. Từ đó, tạo điểm nhấn trong thực hiện mô hình (như cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng công trình làm đẹp cảnh quan trong và ngoài khuôn viên di tích...) bằng nguồn kinh phí xã hội hóa phù hợp với quy định về quản lý khu di tích; quan tâm gắn biển công trình để tạo động lực, khí thế thi đua của phụ nữ và người dân trên địa bàn.
Từ thực tế có thể thấy, việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với với xây dựng các mô hình “Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu” đã giúp các danh lam thắng cảnh, khu di tích trở nên văn minh, xanh, sạch, đẹp hơn. Những bất cập trong văn hóa ứng xử của người dân, du khách khi đến với những địa điểm này cũng được khắc phục, qua đó, vừa định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch tại di tích, đồng thời cũng xây dựng hình ảnh di tích lịch sử, điểm dến an toàn, hấp dẫn, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống tốt đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
04:49 26/11/2024