Con người cần sữa
Nhu cầu dinh dưỡng cung cấp từ nguồn sữa bò, dê… (ở đây gọi chung là sữa) ngày càng lớn. Đáp ứng nhu cầu này, các quốc gia sản xuất sữa hàng đầu như Trung Quốc, Ý, New Zealand và Mỹ đã làm tăng đáng kể sản lượng sữa trên mỗi con bò (một con bò ở Hoa Kỳ hiện tạo ra lượng sữa gấp bốn lần so với một con bò ở Ấn Độ), đồng thời giảm tác động đến môi trường của động vật.
Sữa tốt cho bạn vì có canxi, protein và các chất dinh dưỡng khác giúp con người cao lớn và khỏe mạnh.
Nhà nghiên cứu dinh dưỡng hàng đầu, Tiến sĩ Walter Willett nói với CNN: “Sữa có giá trị dinh dưỡng khá tuyệt vời, bởi vì một động vật có vú non có thể sống không có gì ngoài sữa trong nhiều tháng và phát triển. Nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa đó là thức ăn tối ưu cho cả cuộc đời chúng ta”.
Willett - Giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng tại Harvard và đồng nghiệp - Tiến sĩ David Ludwig đã thảo luận về chủ đề sữa và sức khỏe con người trong một bài đánh giá năm 2020 cho Tạp chí Y học New England. Theo đó, sữa được cho là giúp xương chắc khỏe; uống sữa sẽ giúp xương khỏe mạnh và ít bị gãy hơn. Willett cho biết, đó là lý do chính cho các khuyến nghị dinh dưỡng hiện tại của Mỹ là 3 cốc sữa không béo hoặc sữa khác mỗi ngày cho trẻ em từ 9 - 18 tuổi và người lớn; 2,5 cốc mỗi ngày cho trẻ em từ 2 - 8 tuổi. Sữa giúp trẻ cao hơn, cao hơn rất nhiều, Giáo sư Willett nói.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên quan giữa chiều cao và nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư và các vấn đề về phổi. Những người cao dường như ít mắc bệnh tim hơn nhưng lại có nguy cơ cao bị rung tâm nhĩ, nhịp tim không đều và giãn tĩnh mạch. Rất nhiều vấn đề khác liên quan đến sức khỏe của sữa cũng đang được nghiên cứu.
Thị trường sữa thực vật đang bùng nổ
“Hầu hết mọi loại hạt, cũng như các loại đậu và ngũ cốc đang trở thành lựa chọn cho sữa thực vật. Giải pháp thay thế gần đây nhất mà tôi tìm thấy là sữa chuối!” - chuyên gia dinh dưỡng Christopher Gardner, Giáo sư nghiên cứu y khoa tại Trung tâm Nghiên cứu Phòng ngừa Stanford ở California, người đang viết một chương sách về chủ đề sữa cho biết.
Cho đến nay, Gardner đã tìm thấy sữa dựa trên các loại đậu (đậu nành, đậu Hà Lan, đậu phộng, đậu lupin và đậu đũa), các loại hạt (hạnh nhân, dừa, quả phỉ, quả hồ trăn, quả óc chó, mắc ca và hạt điều), hạt (mè, lanh, cây gai dầu và hướng dương), ngũ cốc (yến mạch, gạo, ngô…) và sữa khoai tây.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để bổ sung đầy dủ dinh dưỡng, trẻ em dưới 5 tuổi cần sử dụng sữa từ động vật; nên tránh sữa có nguồn gốc từ thực vật. Sữa thực vật làm từ gạo, dừa, yến mạch hoặc các hỗn hợp khác thiếu dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển sớm. Hầu hết các loại sữa có nguồn gốc từ thực vật không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng quan trọng, như vitamin D và canxi, mà trẻ em đang lớn cần trong giai đoạn phát triển quan trọng này.
Trước hết xét về sự ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, theo phân tích của Phòng thí nghiệm dữ liệu thay đổi toàn cầu (The Global Change Data Lab), gạo có tác động thấp nhất đến việc sử dụng đất, hạnh nhân có tác động thấp nhất đến khí thải nhà kính và đậu nành có tác động thấp nhất đến việc sử dụng nước ngọt và hiện tượng phú dưỡng (sự ô nhiễm của một vùng nước với các chất dinh dưỡng khiến thực vật và tảo phát triển quá mức). Sữa yến mạch rơi vào đâu đó ở giữa.
Về mặt dinh dưỡng, Gardner cho biết, mỗi loại sữa thực vật thay thế đều có những ưu và nhược điểm so với sữa, đồng thời cho biết thêm rằng, ông không thể xem xét tất cả các nhãn hiệu trên thị trường, “quá nhiều để có thể bao quát một cách thực tế”.
Về canxi, các nhà sản xuất sữa thực vật đã thêm canxi để đưa sữa của họ lên ít nhất 300mg, đây là mức canxi trong sữa. Gardner nói: “Những trường hợp ngoại lệ mà tôi tìm thấy là sữa dừa và sữa gạo, trong đó một số nhãn hiệu có mức canxi từ 130mg mỗi khẩu phần trở xuống”.
Về protein: Chẳng hạn, đậu nành và sữa làm từ đậu Hà Lan có nhiều protein như sữa - khoảng 8g protein trong mỗi ly 200ml, Gardner nói. Các loại sữa làm từ đậu khác cũng là những lựa chọn tốt.
Tuy nhiên, sữa dừa và sữa gạo có hàm lượng protein thấp, sữa hạnh nhân có ít hơn 1g protein trong một khẩu phần và sữa yến mạch nằm trong khoảng từ 1- 3g mỗi khẩu phần, ông nói.
Gardner cho biết, chất béo, natri và cholesterol: So với cholesterol trong chế độ ăn kiêng của sữa nguyên kem, hầu hết các loại sữa thực vật đều là lựa chọn tốt - thực phẩm thực vật không bao giờ có cholesterol. Mức natri tương đối bằng nhau giữa sữa thực vật và sữa ở khoảng 100mg natri. Ông nói thêm rằng, chất béo bão hòa thấp, ngoại trừ nước cốt dừa, một loại cây nhiệt đới thường có hàm lượng cao.
Gardner nói: “Không cần phải sợ chất béo của hầu hết các loại sữa có nguồn gốc thực vật - chất béo không bão hòa được coi là có lợi cho sức khỏe với số lượng khiêm tốn có trong sữa có nguồn gốc thực vật.
Vitamin A, D và B12: Lý do duy nhất mà sữa là nguồn cung cấp vitamin A và D tốt là nó được bổ sung các loại vitamin này khi sản xuất, Gardner nói. Sữa thực vật cũng làm như vậy.
Vitamin B12 xuất hiện tự nhiên trong sữa với số lượng rất nhỏ, vì bò lấy vitamin từ vi khuẩn trên cỏ mà chúng chăn thả. Gardner cho biết, một số loại sữa thực vật được bổ sung B12, nhưng không phải tất cả.
Các nghiên cứu về sữa cũng như sữa làm từ thực vật vẫn đang tiếp tục. Tuy nhiên, một thực tế là, việc bảo vệ trái đất, sữa là từ thực vật đang chiếm ưu thế. Theo nghiên cứu năm 2018 của Đại học Oxford, ngành công nghiệp sữa sử dụng diện tích đất gấp khoảng 10 lần và lượng nước gấp 2 - 20 lần so với sản xuất sữa đậu nành, yến mạch, hạnh nhân hoặc sữa gạo. Phân từ động vật nhai lại như bò, cừu và dê tạo ra khí mê-tan, một loại khí nhà kính mạnh gấp 80 lần so với carbon dioxide trong việc làm nóng hành tinh trong khoảng thời gian 20 năm.
Về dinh dưỡng, các nhà nghiên cứu, sản xuất đang tìm cách giữ lại lợi thế của sữa thực vật, tìm cách bổ sung những điểm yếu về dinh dưỡng để loại sữa này dần chiếm thị phần ngày càng lớn hơn.