USD tự do, thị trường vàng cùng nhịp tăng
Qua 2 phiên giao dịch gần đây, giá USD “chợ đen” đã tăng 200 đồng, lên gần mốc 25.600 đồng (bán ra)- ở vùng giá cao nhất lịch sử. Hiện các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường “chợ đen” ngày 9/3 mua vào USD với mức giá phổ biến ở mức 25.470 đồng/USD, bán ra với mức 25.550 đồng/USD, tăng 170 đồng ở cả 2 chiều so với ngày 8/3.
Ngay từ tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tỷ giá USD/VND biến động mạnh trên các thị trường, đặc biệt là trên thị trường tự do. Phiên giao dịch ngày 23/2 (phiên cuối của tuần giao dịch đầu tiên sau Tết), tỷ giá USD/VND niêm yết của Vietcombank đóng cửa quanh mức 24.405 - 24.775, tăng 1,5% so với cuối năm 2023. Tỷ giá trên thị trường tự do bật tăng lên mức 25.220 VND/USD, tăng 1,8% so với cuối năm 2023.
Giá USD "chợ đen" duy trì trên mốc 25.000 đồng từ giữa tháng 2 đến nay, hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cũng bởi đà tăng giá này, giá USD tự do đang kéo giãn độ chênh với ngân hàng thương mại, ở mức 700 - 1.000 đồng (bán ra - mua vào). Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tự do đã tăng khoảng 900 đồng ở chiều bán.
Lý giải về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nguyên nhân khiến tỷ giá tăng mạnh một phần là do thị trường đánh giá Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không sớm hạ lãi suất như dự kiến (trong quý I/2024) khiến giá trị của đồng USD vẫn neo ở mức cao.
Bộ phận phân tích Chứng khoán PHS mới đây đã đề cập tới tình trạng găm giữ ngoại tệ trong bối cảnh đồng USD liên tục tăng tại thị trường trong nước lẫn thế giới.
Trong đánh giá về ngành ngân hàng gần cuối tháng 2/2024, PHS cũng đã nhắc đến việc tín dụng còn đang tăng khá chậm và kỳ vọng sự cải thiện từ cuối quý I.
Vì vậy hệ thống ngân hàng vẫn duy trì trạng thái thặng dư thanh khoản lớn trong quý I (đặc biệt là sau khi tiền quay lại hệ thống sau dịp Tết), tạo động lực cho việc găm giữ trạng thái, theo PHS.
Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường Công ty chứng khoán VPBankS cho rằng, chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và USD duy trì trạng thái âm trong thời gian dài, với mức rất cao – khoảng 5%/năm là một trong những yếu tố khiến tỷ giá “nổi sóng”.
Trong khi đó, một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cũng đặt ra khả năng giá USD tự do tăng mạnh có ảnh hưởng không nhỏ từ diễn biến giá vàng.
Giá vàng thế giới tăng mạnh trong bối cảnh cơ quan quản lý trong nước chậm trễ ban hành các quy định chính thức về quản lý thị trường vàng. Điều này đã kích hoạt tâm lý sợ bỏ lỡ và đẩy nhu cầu đầu cơ vàng tăng đột biến. Để đáp ứng nhu cầu này thì việc nhập khẩu vàng qua kênh chính thức và nhập lậu đều tăng cao, kéo theo nhu cầu về đô la Mỹ tăng mạnh, đặc biệt ở thị trường chợ đen.
“Điều này lý giải tại sao tỷ giá chợ đen biến động rất mạnh tới 3,93% tính từ đầu năm nhưng tỷ giá chính thức lại có sự bình ổn hơn nhiều và vẫn còn cách xa tỷ giá trần theo quy định” - Tổng giám đốc Công ty CP dữ liệu và công nghệ tài chính WiGroup Trần Ngọc Báu phân tích.
Nhiều yếu tố tác động tỷ giá
Bà Hoàng Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng phân tích Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, tỷ giá thường khá ổn định giai đoạn đầu năm nhờ nguồn tiền kiều hối và FDI về khá mạnh. Tuy nhiên bối cảnh năm 2024 có nhiều khác biệt, đáng kể nhất lãi suất chênh lệch giữa USD và VNĐ đang ở mức âm trong suốt giai đoạn qua. Ngoài ra, các doanh nghiệp thanh toán các khoản vay nước ngoài và hoạt động kết chuyển lợi nhuận về nước sở tại cũng là yếu tố góp phần.
Với diễn biến đồng USD đang rất “nóng” trên thị trường chợ đen, các chuyên gia cho rằng có một số tín hiệu cần theo dõi trong thời gian tới.
TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian tới, tỷ giá phụ thuộc lớn vào sự thay đổi của chính sách tiền tệ Mỹ và tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 19,2%, nhập khẩu tăng 18%.
TS Lê Xuân Nghĩa nói: xu hướng nhập khẩu hàng hóa của trong 2 tháng đầu năm vẫn tăng mạnh ở mức 18% so với cùng kỳ năm trước, các doanh nghiệp cần USD và các ngoại tệ khác để thanh toán.
Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, DXY tính đến cuối tháng 2 đã tăng lên 104 điểm, nghĩa là tăng gần 1% trong khi biến động của tỷ giá VND chỉ khoảng 600 - 800 VND, chưa đến 0,5%. “Tất cả những yếu tố này đã và đang tạo ra áp lực khiến cho USD tăng giá và VND giảm giá. Tình trạng này có thể kéo dài đến giữa năm 2024 khi Fed quyết định giảm lãi suất” - ông Nghĩa dự báo.
Hiện, các cấu phần ngoại tệ cơ bản như thặng dư thương mại, giải ngân FDI, kiều hối vẫn tương đối dồi dào là yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá thu hẹp đà tăng. “Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối Việt Nam trong giai đoạn hiện tại khá tốt. Các yếu tố này có thể giúp cho tỷ giá VND/USD tiếp tục giữ ổn định trong năm nay, dù có thể sẽ vẫn mất giá nhẹ”- TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.
“Tuy vậy, không loại trừ khả năng lãi suất thấp khiến người dân chuyển sang mua vàng và ngoại tệ” - TS. Nghĩa nói thêm.
Đồng quan điểm TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện nay hoạt động đầu cơ, găm giữ ngoại tệ trong nước cũng đang tăng lên đáng kể, đẩy tỷ giá hối đoái trên thị trường chợ đen tăng nhanh hơn tỷ giá ngân hàng. "Vì vậy, NHNN có thể sử dụng các biện pháp hành chính để ngăn chặn được giá bán USD trên thị trường tự do cũng như giảm thiểu được hoạt động đầu cơ này” - TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Còn theo SSI Research, các hành động của NHNN nhằm ổn định tỷ giá có thể được tính đến, trước mắt có thể là việc phát hành trở lại tín phiếu. Tuy nhiên, nhu cầu ngoại tệ tăng dần từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và việc bán dự trữ ngoại hối cũng có thể xem xét.
NHNN cho biết năm 2023, tỷ giá USD/VND tăng khoảng 1,23%, giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại tăng hơn 3% so với VND. Đây là mức biến động tương đối ổn định dù giá bán USD tại các ngân hàng thương mại đã có lúc tăng hơn 4% so với VND. Do đó, năm 2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.