Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ưu đãi nửa vời

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” đã được Chính phủ phê duyệt có thể hiện thực hóa ước mơ có nhà của công nhân, người lao động thu nhập thấp.

Cùng với đó là các chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội như gói gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, cho vay theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP… Tuy nhiên, việc người dân khó tiếp cận với chương trình vay vốn để mua các dự án nhà ở xã hội đang phần nào ảnh hưởng đến chương trình này.

Gói vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP được triển khai từ năm 2016 tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất cho vay áp dụng là 4,8%/năm, thấp hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà nói chung. Sau gần 7 năm triển khai, doanh số cho vay đạt 17.197 tỷ đồng, dư nợ hiện nay là 10.573 tỷ đồng, với gần 40.000 khách hàng còn dư nợ. Lý do, gói vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 chưa thể triển khai, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước là do chưa bố trí được nguồn ngân sách cấp bù lãi suất. Trong khi đó, gói 120.000 tỷ đồng dư nguồn cũng “ế”.

Thực tế, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các gói đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Chính phủ ban hành gói 120.000 tỷ đồng, dùng nguồn lực các ngân hàng, không dùng ngân sách (với lãi suất giảm 2%/năm so với lãi suất thương mại; thời hạn giải ngân đến hết năm 2030). Nhưng đến nay cũng chỉ giải ngân được 105 tỷ đồng/120.000 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh, TP.

Giới chuyên môn nhìn nhận, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không giải ngân được vì cả ngân hàng và DN đầu tư nhà ở xã hội không muốn gánh rủi ro. Các chủ dự án nhà ở xã hội gặp vấn đề các thủ tục đất đai liên quan dự án được xử lý rất chậm. Các chủ đầu tư nhà thương mại thường dành vị trí xấu nhất trong dự án để làm nhà ở xã hội. Các chủ đầu tư nhà ở thương mại cũng không "mặn mà" làm nhà ở xã hội.

Mặt khác, DN cũng ngại vay vốn ưu đãi từ gói 120.000 tỷ đồng hiện nay, thông thường từ 7 - 8%/năm là khá cao trong khi đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội phức tạp. Nếu chọn đúng đối tượng mua nhà thì khả năng thanh toán thấp, còn chọn đối tượng thu nhập trung bình, khá lại không đúng chính sách.

Cho vay với người mua nhà ở xã hội rủi ro khá lớn do đa phần người mua nhà ở xã hội có thu nhập tương đối thấp, việc phát mại tài sản rất khó. Chính các ngân hàng thừa nhận, sau dịch Covid-19, người dân gặp rất nhiều khó khăn, công nhân và người có thu nhập thấp đi vay tín chấp tiêu dùng rất là nhiều và sau đấy lịch sử tín dụng của họ bị xấu. Đây cũng là một trong những rào cản không thể tiếp cận tín dụng được.

Muốn bền vững hơn, có được lãi suất thực sự ưu đãi, phù hợp hơn nữa với người mua nhà, DN làm nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ thì Chính phủ cần lập một quỹ phát triển nhà ở xã hội. Kinh nghiệm như Hàn Quốc hay Singapore đã làm là huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau và vốn ngân sách đóng vai trò vốn mồi.

Cùng với đó, quy trình thủ tục đối với nhà ở xã hội còn rất phức tạp đối với cả chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua nhà. Điều này đã được nhận diện và Chính phủ đang rà soát để sửa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cho phù hợp.

Cho vay chương trình nhà ở xã hội là chính sách thiết thực của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ người dân cải thiện chỗ ở và an sinh xã hội. Không chỉ ở hỗ trợ lãi suất mà thiếu các chính sách quyết liệt đi kèm thì chính sách rất khó đi vào cuộc sống, DN không mặn mà vay, người dân vẫn mãi đợi mua nhà.