Ưu tiên 5 đối tượng trong sức khỏe sinh sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 đối tượng sẽ được ưu tiên trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Việt Nam.

Theo đó, 5 đối tượng gồm: phụ nữ tuổi sinh đẻ; bà mẹ trong thời gian mang thai, trong cuộc đẻ, sau đẻ; bà mẹ cho con bú; trẻ sơ sinh và trẻ em đến hết 5 tuổi tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc ít người và các đối tượng thiệt thòi dễ bị tổn thương khác.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Theo báo cáo của Tổng cục DS – KHHGĐ (Bộ Y tế), năm 2006, Việt Nam đạt mức sinh thay thế và đã duy trì liên tục trong gần 10 năm qua. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai luôn được duy trì ở mức cao 77,2%. Tỷ số tử vong mẹ đã giảm 3 lần từ 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 69/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2009, đứng thứ 5 trong 10 nước Đông Nam Á (sau Singapore, Brunei, Malaysia và Thái Lan).

Đồng thời, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm 3 lần từ 44,4‰ năm 1990 xuống còn 14,94‰ năm 2014. Ngoài ra, chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em cũng được cải thiện rõ rệt...

Tuy nhiên, công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, mức sinh, tử vong mẹ và tử vong sơ sinh còn rất khác biệt giữa các vùng, miền, tỉnh, thành phố. Tử vong mẹ ở miền núi vẫn gấp 3 lần vùng đồng bằng và ở những tỉnh cao nhất có thể gấp tới 10 lần so với tỉnh thấp nhất. Tử vong sơ sinh vẫn còn cao, chiếm 70% số tử vong trẻ em dưới 1 tuổi…

Hiện nay, Việt Nam vẫn còn tồn tại sự khác biệt rất lớn giữa các khu vực đô thị và nông thôn, giữa các vùng địa lý, và các nhóm dân cư. Những người nghèo, ở cả khu vực thành thị và nông thôn vẫn còn gặp khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ. Nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ chưa lập gia đình và phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn không tiếp cận được các dịch vụ sức khóe sinh sản chất lượng.

Thời gian tới, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản nước ta sẽ tiếp tục tập trung củng cố và phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm tăng tiếp cận phổ cập dịch vụ sức khỏe sinh sản đến đối tượng đích; bảo đảm nguồn nhân lực chuyên ngành và nâng cao năng lực chuyên môn sản - nhi - sơ sinh cho cán bộ y tế các tuyến; thực hiện giảm quá tải cho các cơ sở khám chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa; đổi mới cơ chế tài chính, phương thức chi trả dịch vụ khám chữa bệnh...