Ưu tiên cấp nước sạch cho khu vực khó khăn, vùng ảnh hưởng thiên tai

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tinh thần chung của Chính phủ là đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt cho các hộ chưa có khả năng tiếp cận với nguồn cấp tập trung, cộng đồng dân cư ở vùng sâu, vùng xa, khu vực khan hiếm và khó khăn về nguồn nước, địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai…”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã nhấn mạnh như trên tại hội nghị triển khai Chương trình “Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”, do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 6/10.

Theo Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn, Chương trình “Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 2/8/2022. Mục tiêu chung của Chương trình là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

Đại biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Đại biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Quyết định số 925/QĐ-TTg đề ra 9 nhóm nhiệm vụ cụ thể để các bộ ngành, địa phương nghiên cứu, triển khai. Cụ thể là các nội dung về: Cấp nước sạch nông thôn; Chất thải rắn sinh hoạt; Nước thải sinh hoạt; Chất thải và phụ phẩm nông nghiệp; Bao gói thuốc bảo vệ thực vật; Bảo vệ môi trường làng nghề; Cảnh quan môi trường nông thôn; An toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản và công tác vệ sinh.

5 nhóm giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra trong Quyết định số 925/QĐ-TTg. Trong đó, đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung cho công tác truyền thông và nâng cao năng lực; Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; Khoa học công nghệ; Huy động nguồn lực; Phát huy vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tại hội nghị, đại biểu các bộ ngành, địa phương đã chia sẻ, thảo luận, tham góp ý kiến để hoàn thiện kế hoạch triển khai Chương trình “Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”. Đặc biệt là đẩy mạnh vai trò của thông tin, tuyên truyền, huy động sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân; mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch; kinh nghiệm xây dựng và duy trì cảnh quan môi trường nông thôn…

Các địa phương vùng sâu, vùng xa sẽ được ưu tiên cấp nước sạch.
Các địa phương vùng sâu, vùng xa sẽ được ưu tiên cấp nước sạch.

Một số khó khăn trong thực tế cũng đã được đề cập đến. Đơn cử như hiện nay, các doanh nghiệp chưa mặn mà với đầu tư vào lĩnh vực nước sạch; sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ khiến an toàn thực phẩm vẫn còn là nỗi lo lớn. Môi trường làng nghề, vệ sinh nông thôn vẫn là bài toán nan giải với nhiều địa phương. Biến đổi khí hậu tác động ngày một lớn đến cấp nước, môi trường…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, cụ thể hoá Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 quyết định phê duyệt các nội dung cụ thể để tổ chức triển khai, trong đó có nội dung về tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.

Thực tế thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức thí điểm một số dự án cấp nước sạch cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Hiệu quả bước đầu là khá tích cực. Thời gian tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết sẽ tiếp tục lựa chọn, xây dựng các mô hình thí điểm cấp nước để làm cơ sở xây dựng chính sách, nhân rộng tại các địa phương.

“Ở góc độ xây dựng nông thôn mới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư hệ thống cấp nước cho các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đặc biệt là xây dựng các mô hình tích trữ được nước ngọt để ứng phó biến đổi khí hậu, như ở Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương ven biển…” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết mô hình “Chợ an toàn thực phẩm” được thí điểm thời gian qua. Trong giai đoạn tới, các địa phương cần tiếp tục chú trọng nghiên cứu, thí điểm xây dựng và đánh giá, nhân rộng những “Chợ an toàn thực phẩm'' ở nông thôn.

Để Chương trình “Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” đạt mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, TP xây dựng kế hoạch cụ thể và hoàn thiện đề án, chương trình có liên quan; đồng thời, ưu tiên phân bổ kinh phí từ ngân sách Nhà nước để tổ chức triển khai các nội dung của Chương trình... 

 

Một số mục tiêu cụ thể Quyết định số 925/QĐ-TTg đến năm 2025

Tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận nước sạch bền vững với số lượng trên 60 lít nước/người/ngày; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thuỷ sản bảo đảm an toàn thực phẩm; 80% chất thải rắn sinh hoạt, 80% chất thải chăn nuôi, 60% phụ phẩm nông nghiệp và 95% bao gói thuốc bảo vệ thực vật được thu gom; 100% chất thải rắn và 50% nước thải tại các làng nghề được xử lý…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần