Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến hết tháng 4/2020, tổng đàn lợn cả nước đạt 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) (khoảng 31 triệu con năm 2018), tăng trưởng bình quân 5,78%/tháng.
Hiện đàn nái cả nước đạt gần 2,86 triệu con, tăng gần 5% so với tháng 12/2019, đạt 98% so với kế hoạch của quý II/2020. Cùng với đàn nái, cả nước có 64.042 con lợn đực giống, đủ để sản xuất tinh và phối giống cho tổng đàn nái.
Từ đầu năm đến nay, các DN cũng nhập khẩu được 5.016 con lợn giống, tăng 101% so với năm 2019.
“Tuy Việt Nam đã phục hồi được khoảng 80,3% tổng đàn lợn so với trước khi xảy ra bệnh DTLCP. Song nhiệm vụ nâng tổng đàn lợn ngang bằng với thời điểm trước khi có dịch trong quý III năm 2020 vẫn rất gian nan. Nếu không thực hiện nhanh, hiệu quả việc tái đàn, chúng ta sẽ mất một góc thị phần của ngành hàng quan trọng trị giá 10 tỷ USD” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn nhận định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngoài 15 DN nòng cốt, hiện nay nhóm chăn nuôi nông hộ và HTX đang chiếm 65% thị phần chăn nuôi lợn của cả nước. Trong khi đó, đây là nhóm đối tượng yếu thế trong chăn nuôi, bởi thiếu thốn cả về vốn, con giống, kỹ thuật, an toàn sinh học… Do đó khả năng tái đàn rất khó khăn. Vì vậy, thời điểm này rất cần sự vào cuộc, chung tay hỗ trợ ngay để đối tượng này tái đàn nhanh, hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc tái đàn ở các địa phương phải đảm bảo đáp ứng an toàn sinh học. Bởi thực tế mầm bệnh DTLCP vẫn còn rất nhiều ngoài môi trường, nếu không làm tốt công tác an toàn sinh học, dịch bệnh ngay lập tức sẽ xâm nhập vào trang trại gây thiệt hại rất lớn.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong tái đàn lợn của Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: Hiện nay tổng đàn lợn trên địa bàn TP đạt 1,2 triệu con. Hà Nội chỉ đạo các địa phương tiếp tục tái đàn đến cuối năm 2020 đạt 1,8 triệu con nhằm cung cấp đủ nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng Thủ đô.
Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội hỗ trợ 30% kinh phí mua lợn nái; hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân trong thời gian 6 tháng (từ tháng 6 - 12/2020) để mua giống, thức ăn duy trì phát triển đàn lợn; xây dựng các cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh. Hà Nội cũng đề xuất Bộ NN&PTNT tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất giống về khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn nuôi nhằm giảm giá thành sản phẩm.
Cũng là địa phương tiêu biểu trong không chế DTLCP và tái đàn lợn hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, để khuyến khích người chăn nuôi tái đàn lợn, tỉnh Yên Bái đã ban hành một loạt chính sách, trong đó hỗ trợ 91 cơ sở chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn dịch bệnh, tổng mức hỗ trợ là 3,36 tỷ đồng.
Đối với các hộ trống chuồng nay tái đàn sau DTLCP, tỉnh chủ động hỗ trợ con giống như hộ nuôi 100 con thì được hỗ trợ 30 triệu; hộ nuôi 15 con nái được hỗ trợ 30 triệu; hộ nuôi hỗn hợp 5 nái và 50 lợn thịt được hỗ trợ 20 triệu; gia cầm nuôi 1.000 con/lứa được hỗ trợ 15 triệu đồng. Hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19, hộ nuôi 100 con lợn thịt được hỗ trợ 20 triệu; hộ nuôi 15 con nái được hỗ trợ 20 triệu đồng; các hộ nuôi hỗn hợp 5 nái và 50 lợn thịt được hỗ trợ 15 triệu đồng.
Đối với các DN nuôi lợn nái nếu vay vốn ngân hàng thì được hỗ trợ lãi suất ngân hàng. Tỉnh Yên Bái hiện có 4 DN chăn nuôi lợn nái, mỗi con lợn con bán trong nội tỉnh, có xác nhận của chính quyền địa phương thì mỗi con được hỗ trợ 50.000 đồng.
Để tái đàn an toàn, ông Duy kiến nghị các DN và Bộ NN&PTNT hỗ trợ con giống, kỹ thuật và chăn nuôi an toàn sinh học để các trang trại, các hộ tăng, tái đàn để sớm khôi phục sản xuất, chăn nuôi trở lại, bền vững hơn.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, để hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh công tác tái đàn, trong tháng 5/2020, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP giai đoạn 2020 - 2025”.
Bộ NN&PTNT tăng cường năng lực cho các cơ sở nuôi giữ giống để nâng cao năng suất sinh sản của đàn nái hiện có; năng lực sản xuất giống tại chỗ để hạ thành con giống. Bộ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành có chính sách về lãi suất tiền vay, đất đai cho người chăn nuôi để tái đàn, tăng đàn, mục tiêu đến cuối quý III/2020 cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu thịt lợn cho người tiêu dùng.