Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT ngày 29/3 về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, một trong những nội dung quan trọng nhất của nông nghiệp Thủ đô thời gian tới là ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên quy mô lớn.

Nhiều khó khăn

Vấn đề phát triển nông nghiệp CNC đã được Sở NN&PTNT Hà Nội dành sự quan tâm lớn từ khoảng hai năm trở lại đây. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, tiến độ triển khai thực hiện định hướng này vẫn còn chậm so với nhiều tỉnh, TP khác như Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh… Về chính sách cho nông nghiệp CNC, HĐND TP đã có Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 8/7/2015 về một số chính sách thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế vẫn còn những khó khăn chưa thực sự hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại buổi làm việc.             	       Ảnh: Thiên Tú
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thiên Tú
Trong lĩnh vực trồng trọt, từ chỗ diện tích gieo trồng lúa khoảng 210.000ha mỗi năm, đến nay TP chỉ còn dưới 200.000ha lúa/năm, trong đó giống lúa chất lượng cao đã chiếm tới 40%. Diện tích rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao cũng tăng và bước đầu áp dụng CNC vào sản xuất. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT) trăn trở, hầu hết giống rau ngoại đều nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi giống rau nội năng suất không cao. Về cây hoa, cây có giá trị kinh tế lớn nhất với diện tích toàn TP hiện khoảng 5.000ha song một điều bất cập là 95% giống hoa ly vẫn phải nhập khẩu.

Theo phân tích của ngành nông nghiệp, hiện nay hầu hết các địa phương đã hoàn thành dồn điền đổi thửa nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vẫn còn diễn ra khá chậm chạp. Ông Vũ Minh Đức – Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT) chia sẻ, Hà Nội có tới trên 1.000 trang trại nhưng việc cấp chứng nhận trang trại theo tiêu chí trong Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT còn rất nhiều vướng mắc. Chính điều này khiến cho nhiều DN, cá nhân ngại đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng CNC.

Quyết tâm tạo chuyển biến

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả mà ngành nông nghiệp Hà Nội đạt được cũng đáng khích lệ. Đó là ngày càng nhiều vùng sản xuất hàng hóa theo hướng chuyên canh, tập trung, quy mô lớn được hình thành. Những năm qua, đầu tư của TP cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, nguồn vốn trực tiếp rót vào phát triển sản xuất vẫn chiếm một tỷ lệ khá nhỏ. Do vậy, tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đề nghị TP điều chỉnh một số chính sách ưu đãi cho nông nghiệp để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, năm 2016, Sở sẽ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là tái cơ cấu ngành. Theo đó, Sở sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình nông nghiệp ứng dụng CNC, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, DN có điều kiện nghiên cứu đầu tư phát triển các mô hình. Song song với đó, Sở NN&PTNT cũng tập trung làm một số mô hình điểm để người dân thấy được hiệu quả của nông nghiệp CNC. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là phục vụ cho phát triển nông nghiệp CNC.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, dù có vai trò rất quan trọng nhưng trong mấy năm vừa qua, đầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng của ngành. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, nhiệm kỳ này, ngành nông nghiệp TP cần cố gắng phát triển nông nghiệp CNC trên quy mô lớn. Để làm được điều đó, Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành liên quan cần sớm có hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau dồn điền đổi thửa, tạo được các vùng sản xuất lớn. Có như vậy mới thu hút được các DN, nhất là DN nước ngoài vào đầu tư phát triển nông nghiệp Thủ đô. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp phải hướng đến thị trường, đánh giá đúng nhu cầu của thị trường và xa hơn là hướng tới xuất khẩu.