FIFA cấp sớm 3 tháng
Nhằm hướng đến sự chính xác, công tâm cho các trọng tài trong việc điều khiển các trận đấu sau nhiều sai sót qua các mùa giải, Ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hướng tới việc sử dụng VAR. Theo như kế hoạch được đưa ra từ phía Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã phê duyệt từ cuối năm 2019 và hoàn tất các khâu chuẩn bị, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt từ FIFA và được chính thức cấp phép VAR tại Việt Nam vào tháng 6 vừa qua, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch đề ra ban đầu. Theo Chủ tịch VPF Trần Anh Tú, việc áp dụng VAR tại V-League là điều không đơn giản sau khi tiếp cận, làm việc với FIFA trong đó hai vấn đề khó khăn nhất là trang thiết bị và nhân sự.
"Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam áp dụng công nghệ VAR, để có thể đưa vào sử dụng, VPF đã tìm đến các đối tác chuyên về thiết bị truyền hình để hỗ trợ, cung cấp các thiết bị đạt chuẩn FIFA. Về nhân sự cũng phải đào tạo trọng tài VAR từ những bước đầu tiên. Ban đầu dự kiến đào tạo số lượng lớn, tuy nhiên dưới sự hướng dẫn của FIFA, để đảm bảo chất lượng, 18 trọng tài và trợ lý đã được lựa chọn để tham gia khóa đào tạo trọng tài VAR đầu tiên ở Việt Nam" - ông Trần Anh Tú cho biết.
Được biết, giai đoạn đầu VPF sẽ lựa chọn khoảng 3 đến 5 trận đấu tại V-League 2023 để vận hành trận đấu có VAR. Cụ thể, căn cứ điểm số của các đội bóng trên bảng xếp hạng hiện nay, Công ty VPF và Ban Trọng tài sẽ phối hợp lựa chọn các trận đấu đáp ứng tiêu chí theo khuyến nghị của FIFA, dự kiến sẽ chính thức chọn trận đấu áp VAR từ vòng 3 giai đoạn 2 V-League 2023. Đối với sân thi đấu của trận đấu có VAR, FIFA cũng yêu cầu tất cả các sân phải được đo trắc địa bằng các máy móc chuyên dụng, cung cấp các số liệu kích thước chính xác để tích hợp đường kẻ việt vị ảo cho hệ thống kỹ thuật xe VAR. Đội ngũ kỹ thuật sẽ mất khoảng 4 ngày làm việc/sân thi đấu để có thể hoàn thành việc đo đạc đảm bảo độ chính xác cho đường kẻ việt vị ảo khi vận hành trận đấu có VAR.
Trọng tài vẫn có thể sai sót dù có VAR
Bóng đá thế giới có nhiều sự thay đổi, qua từng giai đoạn khác nhau, trong đó VAR là bước đột phá trong việc phát triển. Ngay từ lần đầu tiên áp dụng chính thức từ World Cup 2018 tại Nga. Việc áp dụng VAR vào các trận đấu của ĐTQG cũng như giải bóng đá của các nước đã nhận những đánh giá cao của giới chuyên môn cũng như những nhà hoạch định chính sách. Hiện nay, trong khu vực Đông Nam Á đang áp dụng VAR như Thái Lan… việc đưa VAR vào hoạt động, các giải bóng đá nội sẽ được nâng tầm chất lượng, đảm bảo tính công bằng và hình ảnh giải đấu cũng được nâng lên hơn.
Để có thể áp dụng VAR tại V-League, 18 trọng tài và trợ lý trọng tài Việt Nam đã hoàn thành khoá đào tạo VAR trải qua 3 bước. Trong đó, đầu tiên là bước đào tạo lý thuyết, tiếp đến là 2 đợt đào tạo tập trung tại phòng Lab. Bước cuối cùng là đào tạo thực hành trên xe VAR với các cấp độ khó lần lượt tăng dần. Cụ thể, đào tạo trong 2 ngày với hai đội bóng thi đấu trên sân diễn tập các tình huống mô phỏng ngắn 10 phút; đào tạo trong 6 ngày với hai đội bóng thi đấu trên sân diễn tập các tình huống mô phỏng 30 phút; đào tạo trong 3 ngày với hai đội bóng thi đấu trọn vẹn 90 phút.
Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn khẳng định, VAR tầm quan trọng của công nghệ VAR khi áp dụng vào hệ thống thi đấu sẽ giúp các trận đấu được công bằng hơn, chất lượng giải đấu cũng nâng cao hơn, góp phần giảm thiểu sai sót của trọng tài.
“Công tác trọng tài là thách thức, với nhiều khó khăn. Cường độ, tính chất giải đấu gây áp lực tới công tác trọng tài rất lớn. Vì thế VAR đóng vai trò rất quan trọng, là công cụ để đội ngũ trọng tài đưa ra phán quyết chính xác hơn. Tuy nhiên để có VAR, cần rất nhiều yếu tố, tài chính cũng như đào tạo con người để thích ứng với công nghệ đều đóng vai trò quan trọng” – ông Trần Quốc Tuấn nhận định.
Việc FIFA cấp phép sử dụng mới là bước đầu, triển khai áp dụng VAR tại Việt Nam đều được FIFA theo sát và sẽ giám sát toàn bộ quá trình vận hành liên tục trong vòng 3 năm tới. Trong thời gian này, mọi thứ từ công tác vận hành, trọng tài VAR làm nhiệm vụ và hệ thống kỹ thuật xe VAR đều phải được gửi dữ liệu về FIFA. Bất kỳ sai sót nào nếu có trong quá trình giám sát 3 năm này, đều có thể khiến việc triển khai VAR vào các trận đấu bị tạm dừng. Tại một số trận đấu đầu tiên áp dụng công nghệ VAR, FIFA sẽ cử một cố vấn sang làm việc để giám sát, cũng như hỗ trợ công tác vận hành VAR tại trận đấu chính thức.
“Thực tế cho thấy dù có VAR thì các trọng tài vẫn có thể sai sót. Vì thế, vấn đề con người là quan trọng nhất. Vừa rồi FIFA đã tổ chức các đợt tập huấn, thực hành, kiểm tra rất khắt khe với những tiêu chí cao để chọn nhân sự phù hợp, đáp ứng yêu cầu với công nghệ mới này. Một điều chắc chắn là VAR sẽ góp phần nâng cao chất lượng cho V-League” - Chủ tịch VFF cho biết thêm.