Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vaccine Sinopharm ở đâu trên bản đồ tiêm chủng thế giới?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/5/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức phê duyệt vaccine Covid-19 được phát triển bởi Viện sinh phẩm Bắc Kinh (BBIBP) thuộc Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhận liều vaccine Sinopharm thứ 2 vào ngày 12/7/2021. 
Đây là vaccine Covid-19 đầu tiên của Trung Quốc nhận được sự chấp thuận này, đủ điều kiện để tham gia Sáng kiến phân phối vaccine công bằng COVAX. Yêu cầu bảo quản tương đối dễ dàng, cùng với khả năng mở rộng năng lực sản xuất cả trong và ngoài Trung Quốc, chế phẩm của Sinopharm được kỳ vọng giúp các quốc gia và tổ chức quốc tế giải quyết các vấn đề cấp bách đối với nguồn cung vaccine Covid-19 khan hiếm hiện nay.

Độ phổ biến của vaccine Sinopharm trên toàn cầu

Theo số liệu từ covid19.trackvaccines.org, vaccine Sinopharm hiện được chấp thuận sử dụng tại hơn 60 quốc gia, với hàng trăm triệu liều đã được gửi tới các nước thông qua hình thức bán và tặng. Đánh dấu lần đầu tiên cung cấp vaccine từ Trung Quốc, cơ chế COVAX dự kiến vận chuyển 100 triệu liều tiêm, trong đó một nửa là vaccine Sinopharm, tới châu Á và châu Phi vào cuối tháng 9 này.

Tính đến ngày 28/7/2021, các quốc gia (tím, vàng và đỏ) đã cấp phép sử dụng vaccine Sinopharm và đưa vào tiêm chủng. Nguồn: Our World in Data/Statista 
Tính đến ngày 6/9/2021, số lượng vaccine Sinopharm (triệu liều) tại các khu vực gồm châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ Latinh, châu Phi và châu Âu, được gửi trực tiếp từ Trung Quốc dưới 2 hình thức bán và tặng. Nguồn: Bridge Consulting/Datawrapper 

Quốc tế ghi nhận hiệu quả của vaccine Sinopharm

Các thử nghiệm lâm sàng của vaccine Sinopharm đã thu hút khoảng 40.000 người tham gia trên khắp Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Jordan và Ai Cập. Mông Cổ và Seychelles - 2 quốc gia điển hình chủ yếu dựa vào vaccine Sinopharm cho chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 của mình - sớm đạt tỷ lệ bao phủ trên 50% dân số đủ 2 liều vaccine vào tháng 6/2021. Tuy nhiên, đây cũng là 2 điểm nóng ghi nhận số ca nhiễm virus gia tăng trong làn sóng Covid-19 bùng phát mới nhất, làm dấy lên những nghi ngại về hiệu quả thực tế của vaccine Sinopharm.

Những so sánh giữa vaccine Sinopharm cùng các vaccine virus bất hoạt khác của Trung Quốc như Sinovac, với các loại vaccine mRNA của phương Tây, đã bùng nổ mạnh mẽ hơn sau khi UAE khuyến cáo người dân tiêm 2 mũi vaccine Sinopharm cần tăng cường 1 mũi vaccine Pfizer sau 6 tháng; Thái Lan thay đổi chính sách tiêm chủng của mình khi kết hợp vaccine Sinovac với vaccine Covid-19 của AstraZeneca…

“Chúng tôi không phân biệt vaccine Covid-19, để nói rằng cái này xấu hay cái kia tốt” - Enkhsaihan Lkhagvasuren, người phụ trách chính sách sức khỏe cộng đồng của Bộ trưởng Y tế Mông Cổ - trả lời khi được yêu cầu bình luận về vaccine Sinopharm. Bà khẳng định vaccine Sinopharm, giống như tất cả các loại vaccine hiện có khác, đều đang làm tốt trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh nặng.

Tính đến đầu tháng 7, Mông Cổ đã tiêm chủng đầy đủ cho 53% dân số, với 80% trong số này được tiêm vaccine Sinopharm. Và theo bà Lkhagvasuren, 1/5 trường hợp nhiễm mới ở Mông Cổ sau đó đã được tiêm chủng đầy đủ, nhưng 96% trường hợp tử vong do Covid-19 là ở những người chưa được chủng ngừa hoặc mới chỉ tiêm 1 liều. Trong trường hợp của Seychelles, Bộ Y tế nước này cho biết trong một bài đăng trên Facebook rằng trong số 63 người chết vì Covid-19 ở nước này hồi tháng 6, có 3 người đã tiêm đủ 2 liều.

Trả lời báo giới gần đây, Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh rằng trong quá trình phê duyệt sử dụng khẩn cấp, WHO đã đánh giá hiệu quả, tính an toàn và chất lượng của vaccine Sinopharm.
"Thử nghiệm giai đoạn 3 tại nhiều quốc gia cho thấy 2 liều vaccine Sinopharm được tiêm cách nhau 21 ngày có hiệu quả là 79% chống lại SARS-CoV-2 không triệu chứng, được tính 14 ngày trở đi sau liều thứ 2", Tiến sĩ Park nói, khuyến nghị sử dụng vaccine Sinopharm dựa trên Lộ trình Ưu tiên của WHO với tất cả các biến thể đang có ở Việt Nam hiện nay.
CNN dẫn lời các chuyên gia tin rằng, sự tái bùng phát ở những nơi sử dụng vaccine Trung Quốc nói chung là phù hợp với những gì có thể ước tính từ tỷ lệ hiệu quả đã đề ra. Jin Dong Yan - Giáo sư về virus học phân tử tại Đại học HongKong, đánh giá: "Nếu muốn giảm thiểu số ca bệnh nặng, số ca tử vong, thì vaccine Sinopharm và Sinovac là hoàn toàn có thể".

Hiện chưa có dữ liệu mới nào được công bố về mức độ hiệu quả của vaccine Sinopharm đối với các biến thể. Dựa theo các nghiên cứu để thiết lập mô hình bảo vệ của hệ miễn dịch chống lại virus, Giáo sư Ben Cowling - Trưởng khoa dịch tễ học và thống kê sinh học tại Đại học HongKong - ước tính mức hiệu quả từ các vaccine virus bất hoạt đối với biến thể Delta có thể thấp hơn 20% so với chủng cũ.