Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Vaccine ý thức”, vẫn là yếu tố tiên quyết

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyệt đối không lơ là, chủ quan khi thiết lập trạng thái "bình thường mới", đó là yêu cầu liên tục được lãnh đạo TP Hà Nội nhấn mạnh. Bởi việc duy trì “vaccine ý thức”, thay đổi thói quen để thích ứng an toàn với dịch vẫn là một chiến lược quan trọng để duy trì mức độ kiểm soát dịch.

Trong các cuộc họp, chỉ đạo, lãnh đạo TP đặc biệt nhấn mạnh, khi dịch bệnh tiếp tục tiềm ẩn trong cộng đồng thì mỗi người dân cần thực hiện "5K", tuân thủ khai báo y tế, quét mã QR như thói quen, nếp sống hằng ngày và tiếp tục tin tưởng, đồng hành cùng TP giữ vững thành quả chống dịch, duy trì trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
 Ảnh: Duy Khánh
Một giải pháp cũng được các chuyên gia khuyến cáo, dù chuyển sang bình thường mới, chính mỗi người dân vẫn “cần phải biết sợ”, vì dịch Covid-19 đang hiện hữu ngay trong cộng đồng, ai cũng có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Vậy nên, dù khi đã tiêm đủ vaccine, đạt miễn dịch cộng đồng, không có nghĩa là không thể nhiễm bệnh, mọi người vẫn cần tuân thủ 5K và quy định phòng chống dịch của ngành y tế, chính quyền địa phương nếu không muốn rơi vào thảm cảnh.

GS Nguyễn Anh Trí (đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội) chia sẻ: “Cả xã hội không nên chủ quan với dịch Covid-19, không được lơ là với công tác phòng chống dịch Covid-19. Chúng ta đã chống dịch bằng 5K, bằng vaccine, bằng công nghệ, bằng thuốc nhưng có một loại vaccine quan trọng nhất đó là tinh thần trách nhiệm đối với sức khỏe chính cá nhân mình, với sự an toàn của cộng đồng. Đó là loại vaccine xã hội cần thiết nhất, giá trị nhất mà ai cũng đang có, xin hãy dùng ngay”.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) khuyến cáo thêm: “Chúng ta cũng đã xác định sống chung an toàn với dịch bệnh, vì vậy nếu có triệu chứng, người dân cần phải đi khám ngay để được hướng dẫn và điều trị kịp thời. Đối với các DN, đơn vị sản xuất… cần có xét nghiệm định kỳ cho công nhân, người lao động để phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Ngoài ra TP cũng nên chú ý bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi, tập trung tiêm vaccine cho nhóm tuổi này hoặc những người có bệnh lý nền trước để giảm nguy cơ cao.

Trên thực tế tại Hà Nội, trong khi số ca mắc tăng cao, nhiều ổ dịch liên tục xuất hiện F0 với lịch trình di chuyển vô cùng phức tạp, dường như một bộ phận người dân Hà Nội vẫn đang nuôi tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh; một số quận, huyện nhiều ngày chưa có ca F0 trong cộng đồng cũng xuất hiện tâm lý lơ là. Mặc dù TP đã chỉ đạo sát sao việc thực hiện quét mã QR Code nhằm truy vấn dữ liệu liên quan khi có các ca nghi nhiễm, nhiều hàng quán, công ty cũng đã dán mã QR Code để khách đến làm việc thuận tiện khai báo nhưng một bộ phận hàng quán lẫn người dân vẫn coi QR Code là thứ gì đó rất xa lạ.

Lãnh đạo TP đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện 6 nhóm nội dung trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trước hết, cần triển khai một cách thường xuyên, liên tục, hiệu quả công tác truyền thông, đồng thời nâng cao ý thức tự giác phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục duy trì sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở một cách thực chất, quyết liệt hơn; đẩy mạnh hoạt động của tổ Covid cộng đồng trong việc giám sát người dân trở về địa phương; thành lập các tổ liên gia, tự quản trong phòng chống dịch.

Việc có sống thích ứng được an toàn với dịch hay không, phụ thuộc lớn vào sự vào cuộc của mỗi công dân. Chiến dịch vaccine đã triển khai diện rộng, nhưng cần hơn hết là "vaccine ý thức" của mỗi người.